Bộ trưởng nói chuyện tàu ngầm
“Tôi cũng bị ném đá”
Thưa Bộ trưởng, năm qua từ khóa tàu ngầm khá nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa, tàu ngầm Yết Kiêu của ông Phan Bội Trân, tàu ngầm Hòa Bình của các nhà khoa học thuộc Vinashin. Nóng nhất có lẽ là chuyện tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm và tàu ngầm Yết Kiêu “xuất ngoại”. Hai chuyện này, Bộ KH&CN, nhà khoa học Việt Nam bị “đá xoáy” khá nhiều trên các trang mạng, diễn đàn, dạng như “mười mấy ngàn tiến sỹ không bằng nông dân” hay “Nhà nước bỏ mặc nhà khoa học chân đất”, Bộ trưởng chia sẻ gì về điều này?
Trong năm, tôi và hai nhà khoa học tham gia chế tạo tàu ngầm Hòa Bình cùng người điều khiển tàu có ngồi tàu lặn xuống biển (tàu do nhóm các nhà khoa học của Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin thiết kế chế tạo, Cộng hòa Liên bang Đức đăng kiểm - PV). Tàu dài 6,63 m, cao 2,74m, ngồi được bốn người, lặn trong 24h ở độ sâu 50m. Thấy tôi lặn xuống, nhiều bạn bè nhắn tin hỏi “sao liều thế?”. Kể cũng run nhưng tôi tin các nhà khoa học. Tàu ngầm Hòa Bình do anh em khoa học Việt thiết kế, chế tạo bài bản, được đăng kiểm ở Đức, quá trình thiết kế, chế tạo có chuyên gia Đức tư vấn, giám sát. Tàu này được bắt tay làm lâu rồi (năm 2009 - PV) nhưng anh em khoa học cẩn trọng, phải đợi thành công mới công bố.
Cùng thời điểm đó, ngoài xã hội rất ồn ào với tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa, tàu ngầm Yết Kiêu của ông Phan Bội Trân. Tôi cũng chịu trận nhiều, bị ném đá cũng nhiều. Chúng tôi luôn trân trọng sáng tạo của người dân, nhưng đây là phương tiện giao thông rất đặc biệt nên giá như các bác ấy, khi bắt đầu thiết kế, chế tạo hợp tác ngay với các cơ quan quản lý thì sẽ được hỗ trợ, ít nhất là về pháp lý và nguyên lý khoa học. Thế nên, sản phẩm khi hoàn thành có thể trục trặc, không thể cấp phép thử nghiệm hoặc lưu hành được.
Tàu ngầm Trường Sa loại nhỏ nhưng lại sử dụng động cơ diesel nên hệ thống xử lý khí thải rất phức tạp và chiếm không gian. Các tiêu chuẩn về an toàn trong cứu sinh khẩn cấp, nổi khẩn cấp cũng chưa thấy đề cập. Tôi biết Bộ Quốc phòng chưa đồng ý cho thử nghiệm ở biển. Nếu là các bạn, các bạn có dám ngồi tàu đó lặn xuống biển không?
Tàu ngầm Yết Kiêu, tôi chưa gặp được ông Phan Bội Trân. Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh tiếp xúc thì ông ấy không gặp. Tôi thấy báo viết là bán với giá 7.500 USD, tôi cũng băn khoăn, có tàu ngầm nào 7.500 USD (hơn 160 triệu đồng) có thể lặn xuống biển được? (tàu ngầm Hòa Bình là tàu ngầm cỡ nhỏ đã hết 28 tỷ đồng thiết kế, chế tạo). Tôi nghĩ tàu ngầm giá ấy chắc chỉ để trưng bày ở công viên. Tôi cũng không thấy báo nào nói tàu ngầm Yết Kiêu bán cho công ty nào ở Malaysia? Họ dùng để làm gì? Tàu ngầm Hòa Bình thì tôi đã ngồi rồi, đã lặn xuống mấy mươi mét nước.
Còn nếu nói mười mấy ngàn tiến sỹ không bằng bác nông dân thì tôi thấy rất đau xót. Năm qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp Việt Nam ở vị trí thứ 71/143 quốc gia về đổi mới sáng tạo, nâng năm bậc so với 2013. Nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam như Ấn Độ, một số nước Trung Á thuộc Liên Xô (cũ) xếp hạng sau.
Lĩnh vực đóng tàu, chúng ta xếp hạng 5 thế giới. Dầu khí, chúng ta là một trong 10 nước trên thế giới làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước. Chúng ta cũng đứng đầu khu vực về thủy điện. Nhà máy Thủy điện Sơn La hoàn toàn do người Việt thiết kế, xây dựng. Việt Nam cũng là một trong bốn quốc gia trên thế giới sản xuất thành công vắc xin Rotavin - M1, phòng bệnh tiêu chảy do virus rota.
Nhưng thưa Bộ trưởng, thực tế hiện nay chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng để định hướng, hỗ trợ các nhà sáng tạo, tạm gọi là nhà khoa học chân đất, thế mới có chuyện có người bỏ hàng chục tỷ đồng để sáng chế nhưng sản phẩm lại đắp chiếu. Về tài chính, chúng ta cũng không có nguồn hỗ trợ. Ở nước ngoài thì khác, họ có riêng một quỹ. Ai có ý tưởng sáng tạo có thể thuyết minh với quỹ, thành công sẽ được cấp vốn. Xin ông cho biết thời gian tới Bộ KH&CN có giải pháp nào cho thực trạng trên?
Cơ chế của chúng ta là đề tài phải được phê duyệt mới được cấp tiền. Bà con nhà mình làm xong mới nói thì ngân sách không thể hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân có sáng kiến cải tiến. Hy vọng 2015 có thể ban hành.
Còn việc hỗ trợ chúng tôi làm nhiều rồi. Hàng năm Bộ KH&CN tổ chức chợ thiết bị công nghệ (Techmart) khu vực, quốc gia rồi quốc tế, mời khoảng 10 nhà khoa học chân đất với 10 gian hàng miễn phí để họ giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm nào doanh nghiệp quan tâm đầu tư thì bà con hợp tác. Sản phẩm chưa hoàn thiện chúng tôi giao Sở KH&CN giúp đỡ cho bà con. Có những sản phẩm đã được thương mại hoá, nhà khoa học chân đất thành triệu phú như anh Trần Văn Dũng ở Trà Vinh, sáng chế máy hút bùn hay anh Bùi Sỹ Tới ở Yên Bái, sáng tạo ra máy cày mini trên ruộng bậc thang, khoẻ bằng bốn con trâu lại rất tiện dụng.
Ngành KHCN Việt Nam chịu nhiều “đắng cay”
Quay về với chuyện của ngành KHCN Việt Nam. Thưa Bộ trưởng, cuối 2013 ông có nói 2014 sẽ là năm hành động khi chúng ta có Nghị quyết và Luật Khoa học & Công nghệ tiệm cận gần với thông lệ quốc tế. Thế nhưng, từ góc độ truyền thông thì thấy chúng ta vẫn bước đi ì ạch, chưa có gì gọi là “hành động”. Bộ trưởng có thể chia sẻ nguyên nhân và nhiệm vụ của ngành KHCN Việt Nam trong năm mới 2015?
Năm 2014 chúng tôi coi là năm hành động vì Luật KH&CN có hiệu lực từ 1/1/2014. Tuy nhiên, đúng như bạn nhận xét, ngành KHCN Việt Nam vẫn ì ạch vì các nghị định hướng dẫn thi hành luật ban hành rất chậm. Lẽ ra sáu nghị định của luật phải được ban hành cùng thời điểm luật có hiệu lực nhưng phải đến tháng 11/2014 nghị định cuối cùng mới được ban hành. Vì thế các tư tưởng đổi mới của Luật KH&CN năm qua chưa được thực hiện đầy đủ.
Có lần tôi nói với giới khoa học, tôi thương nông dân mình một nắng hai sương vất vả bao nhiêu tôi cũng thương các nhà khoa học bấy nhiêu. Có thành tựu khoa học chuyển giao miễn phí cho nông dân. Dân giàu lên còn nhà khoa học không thu được đồng nào. Giới khoa học hiện nay là giới duy nhất trong hệ thống công chức, viên chức không có phụ cấp. Ngân sách cấp cho KHCN khoảng một tỷ USD nhưng chỉ khoảng 100 triệu USD cho nghiên cứu thực sự. Tính trên đầu người, tiền chi cho KHCN ở Việt Nam chỉ khoảng 9-10 USD, trong khi Trung Quốc là 60, Hàn Quốc là 1.000.
Trong 2015 việc đầu tiên của ngành KHCN là ban hành các thông tư hướng dẫn. Sau đó chúng tôi đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là ba chương trình quốc gia lớn đã được Thủ tướng phê duyệt gồm Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Hy vọng năm 2015 chúng ta sẽ có những sản phẩm đầu tiên của ba chương trình.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024