Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói về việc gian lận hồ sơ hưởng chính sách
Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối qua, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã chia sẻ nhiều thông tin cụ thể về các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công.
Thưa Bộ trưởng, một người dân hỏi: “Ngày 14/6/2013, qua trả lời chất vấn ở Quốc hội, Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ giải quyết chế độ cho người có công mà lâu nay còn tồn đọng... Tôi có ông bác ở ấp Cầu Đúc, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đi bộ đội ở miền Đông, đến năm 1973 bị thương nặng được chuyển về quê, sau này đi làm hồ sơ thương binh thì đơn vị đã giải tán, chỉ tìm được chính trị viên và một người cán bộ cơ sở cùng chiến đấu để xác nhận. Nhưng cơ quan chức năng nói giấy tờ như vậy là không hợp lệ mà phải có hồ sơ gốc và giấy chứng thương. Thế nên hồ sơ của ông bị huyện đội Châu Thành trả về và đến nay vẫn chưa được công nhận thương binh, trong khi trong người vẫn còn 2 đầu đạn”. Xin Bộ trưởng cho biết những trường hợp cụ thể như vậy có thể giải quyết được không?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thực hiện chính sách đối với người có công, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách giải quyết đối với người có công, trong đó có trường hợp giải quyết người mất hồ sơ gốc. Đến năm 2009, những trường hợp tồn động do thiếu hồ sơ gốc còn trên 8.000 hồ sơ. Trên cơ sở đó, Bộ đã có kế hoạch 611 để giải quyết tiếp những hồ sơ này. Và trong thời gian phối hợp với các địa phương, ban ngành liên quan và hiện đã giải quyết được trên 3.000 hồ sơ.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số trường hợp chưa được giải quyết. Để giải quyết những trường hợp này, Đảng và Nhà nước chỉ đạo không để trường hợp nào có công mà không được hưởng. Vì vậy, giao Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng xem xét xây dựng quy trình giải quyết những trường hợp tồn đọng này cho phù hợp với thực tiễn.
Đến thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện xong thông tư hướng dẫn và xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Khi thông tư được ban hành trong tháng 9 này, sẽ giải quyết những trường hợp tồn đọng này. Một giải pháp trong thông tư là tổ chức, cơ sở lập xác nhận ban đầu là quan trọng. Địa phương lập danh sách đó công khai danh sách để mọi người xác nhận.
Hiện nay, Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm xem xét và xác nhận và chuyển lên cơ quan lao động thương binh, từ đó xác định nếu là liệt sĩ tiếp tục Bộ LĐ-TB-XH sẽ thẩm định các quy trình, nếu là thương binh sẽ tổ chức giám định mức độ thương tật. Đúng là hồ sơ gốc không còn nhưng Hội Cựu chiến binh xác nhận có tham gia kháng chiến hay không, vào thời điểm nào.
Thưa Bộ trưởng, giả mạo hồ sơ để được hưởng chính sách đãi ngộ người có công của nhà nước cũng không phải là hiện tượng hiếm. Như một người dân gửi thư đến Chương trình cho biết: “Hiện nay có tình trạng người chưa đi bộ đội nhưng lại được hưởng lương hưu cựu chiến binh, thậm chí có cả lương nạn nhân chất độc màu da cam. Trong khi đó có trường hợp đi bộ đội chống Mỹ nhưng do bị mất giấy tờ nên lại không được hưởng quyền lợi gì”. Theo địa chỉ của thư thì trường hợp này ở thôn Kim Điền, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Xin hỏi Bộ trưởng cho biết cách giải quyết trong trường hợp này như thế nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi nghĩ việc gian lận hồ sơ để được hưởng chính sách người có công đang là vấn đề bức xúc trong dân. Dứt khoát những người không tham gia kháng chiến không được hưởng chế độ này.
Vừa qua chúng tôi đã chỉ đạo thanh tra ở 37 tỉnh, thành phố và chỉ đạo 63 tỉnh thành phố thực hiện thanh tra. Qua thanh tra đã cắt giảm chế độ đối với đối tượng gian lận trên 7.000 trường hợp, thu hồi ngân sách cho Nhà nước trên 75 tỷ đồng. Đây là con số lớn.
Mặc dù vậy, việc gian lận hồ sơ hưởng chế độ chính sách vẫn còn. Tới đây, chúng tôi tiếp tục cùng với các địa phương thanh tra, đảm bảo công bằng xã hội. Còn đối với những trường hợp không đủ hồ sơ gốc, chúng tôi sẽ hướng dẫn quy trình để giải quyết.
Liên quan đến chính sách với người có công bị phơi nhiễm chất độc hóa học, ông Phạm Đức Hậu, 70 tuổi, trú quán tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có hỏi về trường hợp của chính ông như sau: “Tôi có thời gian chiến đấu tại chiến trường B2, thuộc Quân khu 7, đến năm 1975 được phục viên về địa phương với thương tật 24%. Tôi đã làm hồ sơ và được Hội đồng Pháp lệnh Người có công tại cơ sở xã xác nhận, nhưng Phòng Lao động -Thương binh -Xã hội huyện Thanh Chương tiếp nhận hồ sơ của tôi hơn 2 năm nay chưa thấy hồi âm”. Ông Hậu còn nhấn mạnh không chỉ bản thân ông mà nhiều đồng đội khác của ông cũng trong tình trạng như vậy. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến trường hợp của ông Phạm Đức Hậu?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trường hợp bác Hậu nêu là điều đáng tiếc. Vì trách nhiệm của ngành là sau khi có hồ sơ phải xem xét, đủ điều kiện phải giải quyết, không đủ điều kiện phải trả lời. Nhưng trường hợp cụ thể bác Hậu đã 2 năm mà chưa giải quyết chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay việc này đối với địa phương mà bác Hậu nêu.
Việc giải quyết thực hiện đảm bảo thời gian cho các đối tượng, việc chậm thì chúng tôi có văn bản đôn đốc thực hiện, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục làm sớm cho người dân.
Liên quan đến chế độ chính sách cho người thân, xin gửi tới Bộ trưởng lá thư sau: “Tôi quê ở xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đi chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, bị nhiễm chất độc hóa học. Con tôi bị dị tật được trợ cấp hàng tháng. Tôi được trợ cấp hàng tháng là 1 triệu 840 nghìn đồng. Xin hỏi: vợ, con trai, con dâu tôi có được Nhà nước mua bảo hiểm cho không? Nếu được tôi phải cần những thủ tục gì, nộp hồ sơ ở đâu để được giải quyết?”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trong quy định về chế độ bảo hiểm y tế đối với người có công thì đối tượng như bác là người có công được hưởng chế độ thường xuyên thì bản thân đối tượng vợ con được nhà nước mua bảo hiểm y tế. Con dâu trong trường hợp này không được nhà nước mua bảo hiểm y tế theo quy định.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Vân ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Bà Vân tham gia lực lượng vũ trang xã và huyện Đại Lộc từ năm 1966 - 1975, hiện nay đang hưởng chế độ bệnh binh là 61%. Bà Vân viết: “Sau khi có Nghị định 290, tôi có làm hồ sơ cùng một số anh chị em cùng đơn vị, nhưng số anh chị em đó được giải quyết hết, còn bản thân tôi chưa được giải quyết, tôi không hiểu lý do gì? Nhưng đến tháng 5/2012 xã lại bảo tôi làm lại hồ sơ mới, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bản thân tôi hiện nay cũng là thân nhân của 3 liệt sĩ: mẹ và hai anh trai. Mẹ tôi được Nhà nước công nhận là mẹ Việt Nam Anh hùng”. Xin hỏi Bộ trưởng trường hợp như tôi có được hưởng chế độ theo Quyết định 290 không, có được nhà tình nghĩa không?”
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Theo quy định trong Quyết định 290 chỉ áp dụng đối với trường hợp trực tiếp tham gia kháng chiến mà chưa được hưởng chính sách đối với người có công. Trong trường hợp này, bà Vân đã được hưởng chế độ chính sách là bệnh binh 61% rồi, nên không được hưởng chính sách theo Quyết định 290 nữa.
Thứ hai, về chính sách hỗ trợ nhà ở thì bà vừa là đối tượng người có công vừa là con của liệt sĩ, bà được hưởng trợ cấp của Nhà nước về nhà ở vì vậy, việc thực hiện chính sách về hỗ trợ nhà ở đối với bà nếu địa phương chưa thực hiện thì chúng tôi sẽ kiểm tra đôn đốc địa phương thực hiện đúng chính sách với bà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?