Bộ trưởng Tài chính: Sức ép vay nợ mới để trả nợ cũ
Báo cáo chi tiết của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn chiều nay được gửi đến ĐBQH trước buổi đăng đàn.
Trong đó, phân tích theo số tuyệt đối, xu hướng nợ công những năm gần đây là tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, hiện ở dưới mức theo quy định của nghị quyết QH là 65%.
DNNN phải tự trả nợ
Bộ trưởng cho hay, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.
"Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn" - Bộ trưởng Dũng cho hay.
Phân tích nguyên nhân chủ yếu, ông chỉ ra yếu tố thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các NHTM trong khi cơ cấu nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Theo luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nhưng nợ đọng XDCB phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm và cũng do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm.
Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện nay, các khoản nợ của DNNN không được tính trong nợ công bởi DN là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. DN phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.
Tính toán khả năng cân đối nguồn trả nợ, với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi NSNN đến 2015 và giai đoạn 2016-2020, những năm tới thu phải tăng 12%-14%/ năm, cân đối NSNN vững chắc; bội chi hợp lý, dành khoảng 20% tổng thu để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả các khoản vay về cho vay lại. 5 nhóm giải pháp chủ yếu được Bộ trưởng nhấn mạnh, trong đó bắt buộc phải có tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ.
Ngân sách vẫn hụt
Bộ trưởng Dũng cho hay, tại kỳ họp QH trước, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện thu NSNN năm 2013 hụt khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng so dự toán. Đến nay báo cáo đánh giá bổ sung thu NSNN năm 2013 về tổng thể vượt 0,7% so dự toán; tuy nhiên, nếu không kể số ghi thu - ghi chi, thực chất thu cân đối NSNN vẫn hụt 7,77 nghìn tỷ đồng (-1%) so với dự toán.
Năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra gần 64,7 nghìn DN (tăng 8,8% so với năm 2012), qua đó quyết định thu vào ngân sách 13,62 nghìn tỷ đồng (đã thu vào ngân sách gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2012); yêu cầu DN giảm khấu trừ, giảm lỗ 16,03 nghìn tỷ đồng; đôn đốc, cưỡng chế xử lý nợ đọng thuế được 55% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2012, hạn chế phát sinh nợ mới; chuyển hồ sơ 67 trường hợp sang cơ quan công an để điều tra xử lý vi phạm hình sự.
Hải quan đã tiến hành trên 2,3 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu trên 1,6 nghìn tỷ đồng (đã thu vào NSNN trên 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2012); đã phát hiện, bắt giữ 22 nghìn vụ buôn lậu, xử lý thu nộp ngân sách gần 150 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, tình hình nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện (đến ngày 31/12/2013, tổng số nợ thuế ước tăng 23,9% so với thời điểm 31/12/2012); trong đó có nguyên nhân do DN khó khăn phải nợ thuế.
Bộ trưởng Tài chính cam kết các giải pháp khắc phục, trong đó nhấn mạnh thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính thuế và công tác hiện đại hoá, kê khai thuế qua mạng, phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm về thuế...
Cổ phần hóa chậm
Theo báo cáo, đến nay cả nước đã sắp xếp được 5.971 DN, trong đó cổ phần hóa 4.066 DN.
Riêng 5 tháng đầu năm đã cổ phần hóa được 17 DN, trong đó có 13 tổng công ty nhà nước. Theo kế hoạch, trong hai năm 2014 - 2015, cả nước sẽ cổ phần hóa 432 DN.
Đánh giá chung, Bộ trưởng cho hay, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Công tác thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã quyết liệt trong việc thực hiện thoái vốn đầu tư.
Nhưng qua tổng hợp tình hình, vẫn còn một số hạn chế như: việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án tái cơ cấu của một số DN chưa đảm bảo tiến độ đề ra; một số đơn vị chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu cũng như chưa chủ động báo cáo Chính phủ về tiến độ triển khai và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời; tiến độ cổ phần hoá các DNNN theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 thời gian qua còn chậm...
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo