Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Thăng: 'Sân bay Long Thành lỡ nhịp vì nỗi lo nợ công'

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Đinh La Thăng thừa nhận một trong những bất lợi của dự án Sân bay Long Thành là được xem xét khi mối lo về nợ công đang dâng cao.

 - Thay vì xem xét thông qua dự án Sân bay Long Thành tại kỳ họp này như đề xuất, Quốc hội sẽ chỉ tiến hành cho ý kiến. Lý do của việc này là gì thưa ông?

- Mặc dù nhiều đại biểu chia sẻ việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, song ý kiến chung của Quốc hội là quyết định ở thời điểm này chưa phù hợp. Rõ ràng đưa dự án Long Thành ra là không có lợi vì Quốc hội đang bàn nhiều về nợ công. Theo báo cáo cáo của Chính phủ thì nợ vẫn trong tầm kiểm soát, song đang có chiều hướng tăng nhanh.

Hơn nữa, theo Nghị quyết 49 của Quốc hội, Long Thành thuộc diện dự án phải trình qua 2 kỳ họp. Do vậy, kỳ này chỉ tiến hành cho ý kiến. Việc trình dự án chậm so với quy định cũng có thể là lý do khiến Quốc hội chưa đồng ý.


Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận dự án Sân bay Long Thành có nhiều khó khăn. Ảnh: Chí Hiếu


- Dự án cũng đã được xin ý kiến Bộ Chính trị. Ý kiến của cơ quan này như thế nào?

- Về Bộ Chính trị, trong Nghị quyết 13 của Trung ương đã nêu rõ việc sử dụng vốn ODA và huy động các nguồn khác để đầu tư. Thực tế triển khai cụ thể sau này cũng sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Hiện cơ quan này chưa tiếp tục xem xét triệt để vì Quốc hội vẫn chưa thông qua. Sau khi có ý kiến Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp thu và báo cáo lại một lần nữa để Bộ Chính trị cho ý kiến.

- Như vậy, việc xây dựng Sân bay Long Thành vẫn phải đang trong quá trình nghiên cứu. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng trình dự án gấp giống như việc đặt Quốc hội vào thế "phải làm". Ông bình luận ra sao?

- Chính phủ mong muốn được Quốc hội thông qua chủ trương, sau đó sẽ tiếp tục làm các bước tiếp theo, chứ không nói nhất nhất phải làm. Trong báo cáo, chúng tôi nói có cả thuận lợi và khó khăn. Nhưng vì lâu nay ta nói nhiều quá về thuận lợi, chứ thực tế triển khai không hề đơn giản. Vốn, năng lực cạnh tranh, giải phóng mặt bằng... đều khó. Nhưng ta phải đặt chúng lên bàn để giải quyết. Không có dự án nào chỉ toàn thuận lợi. Với những công trình lớn như thế này càng cần phải thận trọng.

- Thông thường với các công trình lớn, nhiều nước đã thuê tư vấn quốc tế lập dự án, được các định chế tài chính thẩm định. Nếu hiệu quả, chủ đầu tư có thể vay ngân hàng mà không cần bảo lãnh, không lo nợ công. Tại sao Long Thành không làm như vậy?

- Mình chưa làm chứ không phải không làm, vì dự án vẫn chưa được thông qua chủ trương. Vấn đề đáng quan tâm nhất là tiền đâu cũng đã được nêu, nhưng báo cáo tiền khả thi chỉ nêu được khái toán. Để đảm bảo chính xác thì phải trong giai đoạn khả thi, phải có khảo sát, thiết kế... Làm những việc đó cũng cần kinh phí. Nếu bây giờ cứ đi làm mà Quốc hội không thông qua thì cũng thành chuyện.

 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào tuần sau để xin chủ trương đầu tư.

Theo lịch dự kiến trước đó thì ngày 28/11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua hay không. Tuy nhiên trước phiên khai mạc, nội dung này đã được đưa ra khỏi kỳ họp, thay vào đó chỉ tiến hành cho ý kiến.

Dự án Sân bay Long Thành được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2025, với số tiền 7,8 tỷ USD sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn 2 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050. Khi đó, tổng kinh phí dự kiến khoảng 18 tỷ USD.

VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo