Xã hội

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết với Thủ tướng Chính phủ

Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ sẽ là một trong những cơ quan đi đầu trong tái cơ cấu bộ máy, đổi mới công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi kiểm tra Bộ Công Thương. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 14/11, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra Bộ Công Thương về tình hình triển khai các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Phần lớn thời gian buổi làm việc, đoàn kiểm tra cùng Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân khiến 13 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Đồng thời, làm rõ thêm về 8 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu Bộ cần giải trình.

Giải trình 13 nhiệm vụ chậm trễ

Lắng nghe đại diện các vụ, cục giải trình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng trực tiếp phát biểu, làm rõ thêm nhiều nội dung. Trong đó, có những vấn đề mà Bộ trưởng thừa nhận là “đang rất bức xúc”.

Liên quan tới việc sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến điều kiện kinh doanh khí hóa lỏng.

 

“Một bên cho rằng cần siết chặt lại quản lý kinh doanh gas, nhưng mặt khác nhiều ý kiến cho rằng theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, thì điều kiện kinh doanh gas hiện nay đang đặt ra quá nhiều giấy phép con. Chúng tôi đánh giá lại thì điều kiện kinh doanh gas có vấn đề thật, ngay cả nội bộ Bộ cũng tranh luận rất gay gắt. Nên chúng tôi đã xin thêm thời gian, làm rõ thêm”, Bộ trưởng cho biết. 

Đồng ý với giải trình này, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ thời hạn hoàn thành với hàng loạt nhiệm vụ khác, như việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 phải xong trước 30/11.

Tổ công tác cũng chỉ rõ trách nhiệm của từng Bộ trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ được giao. Như việc chậm xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng về quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tới năm 2025, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng cùng với Bộ Công Thương, VPCP cũng có phần lỗi. “Nếu có vướng mắc gì, các vụ, cục của VPCP phải báo cáo ngay Bộ trưởng để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu.

Đồng thời, cần khắc phục ngay tình trạng Bộ Tư pháp đã có ý kiến từ 9/9 mà tới nay Bộ Công Thương mới tổng hợp. “Kinh nghiệm của VPCP cho thấy, với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cần mời lãnh đạo các Bộ ngồi lại, sửa tại chỗ, nhiều khi chỉ cần một tiếng đồng hồ là xong, trình Thủ tướng ký”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Nhìn tổng thể nguyên nhân chậm trễ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thắng thắn, một số đơn vị thuộc Bộ vẫn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa năng động. Ngay cả gặp những khó khăn khách quan cũng không chủ động tìm hướng tháo gỡ, không báo cáo kịp thời.

 

“Nhân đây, tôi phê bình Văn phòng Bộ và các vụ, cục. Tôi đã yêu cầu thành lập tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc các việc Bộ trưởng giao, như Thủ tướng đã thành lập, nhưng tới nay vẫn chưa có”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp tục quyết liệt cải cách thể chế và tái cơ cấu bộ máy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Công Thương sẽ thể hiện tinh thần mới

Phát biểu về 8 vấn đề Thủ tướng yêu cầu giải trình thêm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây đều là những nội dung lớn, có ý nghĩa quan trọng, vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa rất cấp thiết. Nhiều nhiệm vụ đã được Bộ triển khai ngay từ khi Thủ tướng chỉ đạo, như công tác sắp xếp lại bộ máy. Hàng loạt vấn đề sẽ tiếp tục được rà soát, đánh giá.

Ông thừa nhận, công tác tiếp nhận, sử dụng, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ ở Bộ Công Thương đã có những bài học rất sâu sắc, nhiều trường hợp làm chưa tốt.

“Chúng tôi sẽ làm đồng bộ, tái cơ cấu bộ máy gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương sẽ thể hiện tinh thần mới, nâng cao năng lực và kiện toàn đội ngũ. Tôi khẳng định với Tổ công tác, Bộ sẽ là một trong những Bộ đi đầu trong tái cơ cấu bộ máy, đổi mới công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ”, Bộ trưởng cam kết.

 

Bộ trưởng đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục quyết liệt cải cách thể chế, ban hành Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ về thủ tục dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất mà còn trong hàng loạt lĩnh vực như phân bón, khí hóa lỏng…

Hiện Bộ đang nghiêm túc, khẩn trương rà soát lại toàn bộ các dự án của các tập đoàn, tổng công ty thiếu hiệu quả, thua lỗ, có khả năng mất vốn như gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ... Tuy nhiên, công việc này cần nhiều thời gian vì liên quan tới khuôn khổ pháp lý, liên quan tới nhiều bộ ngành.

“Cơ chế quản lý, điều hành với các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề lớn, cần nhiều Bộ ngành tham gia, sau buổi làm việc này, Bộ sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ”, Bộ trưởng cho biết.

Liên quan tới môi trường, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, mới đây các nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân đã lần đầu tiên mở cửa cho mọi người dân có thể vào kiểm tra, kể cả việc xả thải. Đây cũng là chủ trương thống nhất của Bộ với tất cả các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm như hóa chất, khai khoáng…

Bộ cũng đang tích cực triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới vấn đề phản ứng chính sách, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ…

 

Khẳng định việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Bộ Công Thương sẽ không có lợi ích nhóm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ sớm báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về những vướng mắc trong việc bán vốn tại Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn.

Bộ trưởng phải xử lý công việc qua mạng

Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ đã báo cáo cụ thể, giải trình nghiêm túc với thái độ cầu thị. Qua kiểm tra, Tổ công tác ghi nhận trong số 13 nhiệm vụ chậm trễ đã có thêm 3 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, đề nghị các vụ, cục thuộc VPCP khẩn trương xử lý, hoàn thành nhiệm vụ trong tháng 11.

Với những vấn đề còn vướng mắc với các bộ, VPCP nhận trách nhiệm và sẽ mời các bộ trực tiếp làm việc.

Đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đốc thúc quyết liệt để triển khai những nhiệm vụ chưa hoàn thành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ đẩy mạnh cải cách hành chính phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. “Bộ trưởng phải xử lý công việc qua mạng, như lãnh đạo VPCP cũng vậy, văn bản chỉ in ra khi trình Thủ tướng”, Bộ trưởng chia sẻ.

 

Với 8 vấn đề Thủ tướng nhắc nhở, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu Bộ cần có kế hoạch hành động, giải pháp, bước đi hiệu quả để thực hiện, với tinh thần Bộ kiến tạo, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo.

“Nhắc nhở Bộ 8 vấn đề, nhưng Thủ tướng cũng truyền đạt là phải động viên anh em. Trong lúc đang tâm tư thì phải có động viên, khích lệ. Đổi mới không có người phản đối là đổi mới tồi, chúng ta phải quyết tâm, đấy mới là Bộ kiến tạo. Đề nghị các đồng chí siết chặt tay, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ”, Tổ trưởng Tổ công tác chia sẻ.

Hà Chính/Báo Chính Phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo