Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Vinh: Chưa thể bỏ con dấu doanh nghiệp

“Chúng ta mong muốn sửa đổi theo hướng bỏ con dấu. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam ngay lập tức chưa thể bỏ được vì trình độ quản lý còn hạn chế và nhiều vấn đề liên quan khác".

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việt Nam chưa thể bỏ được con dấu vì trình độ quản lý còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ như vậy tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 30/11.

Chia sẻ tâm trạng sau khi 2 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “rất vui” vì đất nước đã có được 2 luật rất căn bản cho lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư của đất nước.

“Lần sửa đổi này có thể nói gần như đã “lột xác”, nhằm khắc phục những khiếm khuyết của hơn một chục năm qua khi chúng ta triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” – Bộ trưởng Vinh nhìn nhận.

Theo ông, nội dung cơ bản nhất được thay đổi trong Luật Đầu là tư phương pháp tiếp cận. Phương pháp tiếp cận trước đây là “chọn – cho”, nghĩa là trong luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh. Lần này, chúng ta thay bằng phương pháp minh bạch hơn và rõ ràng hơn: “chọn - bỏ”.

Đây là phương pháp khó mà trên thế giới không phải nước nào cũng dám áp dụng. Nhưng ở nước ta, Quốc hội đã quyết định áp dụng phương pháp này. Đó là cái gì cấm, cái gì hạn chế thì ghi vào trong luật. Điều này cũng thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp – những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không cần được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Họ được quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà luật pháp đã quy định, cho phép. Nếu kinh doanh ở những lĩnh vực có điều kiện thì họ cần phải đáp ứng những điều kiện đó. Các cơ quan quản lý Nhà nước sau đó sẽ kiểm tra. Nếu thấy chưa đúng thì yêu cầu chỉnh sửa, nếu mức độ vi phạm là quá lớn thì có thể dừng.

“Việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” cũng là điểm rất thông thoáng, minh bạch và giảm bớt chi phí cho người dân. Riêng các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam (FDI) thì cần phải có việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lần đầu tiên” – Bộ trưởng Vinh nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, số lượng lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là nhiều hay ít không phải là vấn đề. Bộ trưởng KH&ĐT phân tích, trong 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Chính phủ sẽ quy định những loại ngành nghề nào phải được cấp phép. Tuy vậy, việc cấp phép sẽ được hạn chế ở mức tối thiểu. Còn lại, sẽ có những ngành nghề nào mà người ta không cần xin phép ai cả hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ sẽ đi kiểm tra, giám sát. Ông ví dụ, ở các nước có trình độ phát triển tương đồng như Việt Nam và ở chính Việt Nam, những ngành nghề như mở hàng ăn, hàng phở không có một quy định nào cả. Coi như người dân tự do, thoải mái trong việc mở cửa hàng.

Tuy nhiên ở những nước phát triển, điều kiện để mở cửa hàng ăn phục vụ công cộng thì người chủ và những người phục vụ phải không mắc bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, nguyên liệu để chế biến phải không có hóa chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cơ quan quản lý công bố điều kiện đó. Anh mở cửa hàng mà không thực hiện thì sẽ bị thu hồi giấy phép.

“Chúng ta cần cố gắng để hạn chế việc xin cấp phép, nhưng cũng để có nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ hơn, tốt hơn nhằm phục vụ lợi ích của con người. Đó không phải là rào cản, là gây khó khăn cho doanh nghiệp” – Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề con dấu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trên thế giới, người ta bỏ con dấu gần hết rồi. Bây giờ ở các nước điều quan trọng là chữ ký, bởi chữ ký của người có thẩm quyền mới là quyết định. Tuy nhiên, tại Việt Nam và một số ít nước bây giờ vẫn có quy định rất chặt chẽ về con dấu. Thậm chí, người ta không quan tâm tới chữ ký nhiều mà chỉ nhìn con dấu mà cho đó là tính pháp lý. Đây là điều cần phải thay đổi. Ngoài ra, thủ tục xin cấp con dấu, khắc dấu cũng tiêu tốn nhiều chi phí, thời gian của doanh nghiệp và con dấu cũng gây ra nhiều phiền toái khác.

“Chúng ta mong muốn sửa đổi theo hướng bỏ con dấu đó đi. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam thì ngay lập tức chưa thể bỏ được vì trình độ quản lý còn hạn chế và nhiều vấn đề liên quan khác”.

Theo Bộ trưởng, trong Luật lần này, doanh nghiệp sẽ được quyết định nội dung cũng như là hình thức con dấu. Họ được tự chủ trong việc quyết định và tự chịu trách nhiệm với con dấu của mình. Hơn nữa, chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký sẽ mang tính pháp lý, nhất là chữ ký điện tử. Như vậy, từng bước tiến tới có thể loại bỏ con dấu.

“Khi ký kết hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp phải tìm hiểu về tính pháp lý của đối tác và những quy định về con dấu của họ đã đăng ký. Doanh nghiệp phải tìm hiểu về vấn đề này tại các cơ quan quản lý hay qua những công bố trên mạng internet. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tìm hiểu, kiểm tra trước khi ký kết” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khuyến cáo.

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo