Bộ trưởng Vinh và chuyện một chỉ thị làm “choáng váng” địa phương
“Chuyện đầu tư công dàn trải, lãng phí đã được nói từ nhiều năm nay nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Nhu cầu đầu tư ở địa phương còn nhiều mà phân cấp rồi nên địa phương cứ quyết. Cơ chế tạo ra thế thì địa phương vẫn làm thế, làm sao ngăn được”, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kể về sự ra đời của Chỉ thị 1792.
Ông nói:
- Phải đọc đúng nguyên nhân mới ngăn được “căn bệnh” đầu tư dàn trải. Vì thế, Chỉ thị 1792 ra đời đánh trúng điều này.
Đó là địa phương không có tiền mà vẫn cứ quyết định thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Nếu dự án có phần vốn của trung ương thì phải được trung ương thẩm định. Điều này trước đây không hề có. Vì vậy, 3 năm nay, chuyện đầu tư dàn trải đã khắc phục được một bước rất căn bản. Tất nhiên, những tồn đọng trong đầu tư còn nhiều nhưng sẽ dần dần giải quyết.
Khi Chỉ thị 1792 ra đời vào tháng 10/2011, thời điểm để làm kế hoạch cho năm 2012, các địa phương gần như bị choáng váng, vì chưa bao giờ có quy định chặt như thế này. Nhiều dự án bị buộc phải phanh lại và địa phương kêu ca hàng loạt dự án bị dở dang.
Năm đó, tôi phải nhận trước Quốc hội là giao kế hoạch chậm nhưng chậm mà giúp thu gọn lại còn hơn là nhanh mà vẫn tiếp tục dàn trải. Tuy vậy, năm đó, chưa chấn chỉnh được nhiều. Nhưng sang năm 2012 để làm kế hoạch cho năm 2013 thì tình hình đã khác đi rất nhiều, tới 95,6% tổng số dự án thuộc nguồn vốn trung ương hỗ trợ địa phương và các bộ ngành là đúng theo tinh thần của Chỉ thị 1792.
Đến năm nay thì có tới 99,2% tổng số dự án đã được kiểm soát. Đến giờ, khi nhìn lại Chỉ thị 1792, nhiều địa phương cũng thẳng thắn nói với tôi rằng chỉ thị đã giúp vấn đề nợ đọng trong đầu tư của địa phương được kiểm soát, tình hình bớt khó khăn hơn, giảm hẳn tình trạng doanh nghiệp khiếu kiện.
Thứ nữa là nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm của trung ương. Ngân sách trung ương trước cũng dàn trải, nợ đọng nhiều. Nhưng nay tình hình được cải thiện hơn.
Trước đây, nợ hơn 100.000 tỷ đồng, sang năm 2012 còn 85.000 tỷ đồng, năm 2013 còn có 40.000 tỷ đồng và tới đây chỉ còn khoảng 28.000 tỷ đồng. Tất nhiên nợ trong xây dựng cơ bản là nợ luân chuyển, nếu mức dư nợ dưới 30% tổng vốn đầu tư là kiểm soát được.
Sang năm 2014, việc bố trí vốn cho các dự án vẫn được kiểm soát chặt. Tinh thần chung là bố trí vốn cho những dự án còn nợ đọng trước, dự án hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng rồi mới bố trí cho những dự án khác.
Vì vậy, đến năm 2015, về cơ bản là có thể kiểm soát nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản đối với phần ngân sách trung ương bố trí cho các bộ, ngành và hỗ trợ các địa phương.
“Mới khắc phục được những vấn đề trước mắt”
Báo cáo giám sát đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố gần đây cho thấy, mặc dù tỷ lệ các dự án bị chậm tiến độ hoặc phải điều chỉnh đã được giảm bớt song vẫn ở mức cao. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Báo cáo này thực chất là tập hợp những báo cáo của tất cả các địa phương gửi về. Những dự án có quy mô vốn rất nhỏ, dự án mới như tái định cư thủy điện, đường dẫn vào khu tái định cư... đều được liệt kê hết vào báo cáo. Cho nên tổng số dự án được công bố còn rất lớn chứ thực tế tổng vốn đầu tư của các dự án này không nhiều và những dự án được triển khai theo những quy định mới của Chỉ thị 1792 đã giảm nhiều rồi.
Nhưng cách giám sát kiểu cũ này đang là vấn đề. Kiểu báo cáo này vừa không phân biệt được phần vốn do trung ương quản lý và phần vốn do địa phương quản lý, vừa không có giá trị nhiều trong việc quản lý, giám sát và thẩm định đầu tư.
Hơn nữa, các tiêu chí đánh giá, giám sát dự án cũng chưa ổn lắm. Phải bám sát các điều kiện của từng dự án thuộc nhóm A, B hay C để mà đánh giá. Chẳng hạn, những dự án có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cho UBND các địa phương thẩm định, trên mức này thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thẩm tra. Và cái này đã làm tốt rồi.
Tới đây, sau khi Luật Đầu tư công ra đời và phần liên quan tới giám sát, thẩm định dự án đầu tư trong Nghị định 108 được sửa đổi sẽ có những tiêu chí rất rõ ràng về đánh giá, thẩm định dự án. Đối với những dự án nhỏ như xóa đói giảm nghèo, dự án 30A, hay tái định cư thủy điện... chỉ cần đưa đầu mục kiểm soát thôi. Quan trọng hơn và cần thiết hơn là kiểm soát hình thức đầu tư.
Sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất tiến tới sẽ không cho làm dự án theo hình thức BT bởi đây là hình thức đầu tư không hiệu quả, trốn đấu thầu, gây thất thoát lãng phí. Phải đánh giá, thẩm định những công trình quan trọng, những sơ hở trong quản lý... Đây mới là điểm then chốt và có ích cho đất nước.
Nhưng cho đến giờ thì Luật Đầu tư công vẫn chưa được thông qua, thưa Bộ trưởng?
Chỉ thị 1792 mới khắc phục được những vấn đề trước mắt, cơ bản vẫn cần có luật để điều chỉnh đầu tư công một cách toàn diện hơn. Chẳng hạn, Chỉ thị 1792 chưa đề cập đến chủ trương đầu tư trong khi ngay chương đầu tiên của Luật Đầu tư công là về chủ trương đầu tư.
Đây là vấn đề rất đụng chạm. Nhưng cũng là nguyên nhân gây dàn trải, thất thoát. Cho nên chủ trương đầu tư mà được kiểm soát thì sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng lớn, hạn chế được chuyện đầu tư dàn trải. Có chủ trương làm đường cao tốc, cảng biển, sân bay, công trình này kia thì phải chứng minh, phải có quy trình nghiên cứu, đánh giá. Dự án nhỏ phải có báo cáo đầu tư, dự án lớn phải có báo cáo tiền khả thi. Phải nghiên cứu thật kỹ để tránh tình trạng làm xong hiệu quả thấp, gây lãng phí.
Ví dụ có dự án xây dựng công trình thủy lợi quy mô tưới tiêu cho 1.000 ha, suất đầu tư cho 1 ha là 1 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của dự án là 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, vẫn sử dụng 1.000 tỷ nhưng chỉ tưới tiêu được 700 ha thôi vậy mà không ai có trách nhiệm cả.
Phải đánh giá cả vòng đời của dự án để nhìn nhận dự án có hiệu quả không. Không thể để tình trạng như vậy diễn ra mãi được.
Ngoài ra, Luật Đầu tư công chuyển từ bố trí vốn hàng năm sang bố trí vốn trung hạn. Trước đây, thường chỉ biết vốn cho năm nay mà không biết năm sau có bao nhiêu tiền. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không biết mình có bao nhiêu tiền. Các bộ trưởng giao thông, y tế, xây dựng, nông nghiệp quyết nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia như vậy nhưng cũng không biết năm sau có bao nhiêu tiền.
Thậm chí, nói cho đúng thì đến Thủ tướng cũng không biết. Vì vậy, bố trí vốn trung hạn và công bố cho các bộ, ngành và địa phương biết trong 5 năm tới các bộ, các địa phương được bố trí bao nhiêu tiền thì họ sẽ chủ động lựa chọn công trình, phân bổ, sử dụng vốn hợp lý và hiệu quả hơn. Hàng năm không phải đề xuất, xin cho gì.
Việc quyết định chuyển sang kế hoạch đầu tư trung hạn là một chính sách mạnh mẽ, là cơ chế rất minh bạch và chống tiêu cực, chống chạy chọt trong đầu tư.
Tái cơ cấu đầu tư công, thưa Bộ trưởng, có lẽ không chỉ dừng ở đó?
Điều tôi tâm đắc nhất bây giờ phải là thể chế. Phải là thể chế kinh tế thị trường, phải lấy thị trường điều tiết toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Phải mở rộng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI.
Đây là giải pháp duy nhất cho những năm tới khi mà ngân sách sẽ rất nhỏ bé cho dù tăng trưởng có đạt mức 7%/năm cũng không thể có đủ nguồn vốn để làm hạ tầng. Không thể đáp ứng đủ nhu cầu của đất nước đang phát triển trong xây dựng hạ tầng, phải trông cậy vào tiềm lực của tư nhân, của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, phải làm sao để mọi người hạn chế gửi tiền vào ngân hàng mà đem vốn ra đầu tư. Việt Nam hiện nay vẫn lấy ngắn hạn nuôi dài hạn, dùng vốn ngắn hạn đầu tư cho những công trình dài hạn cho nên tình hình rối lắm. Đầu tư của cả một đất nước mà vốn lại phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng thì không ổn chút nào. Có những điều vô cùng căn bản, nền tảng của kinh tế thế giới mà chúng ta chưa áp dụng.
Nói vậy thôi chứ tôi đồng ý, tái cơ cấu là sự nghiệp lâu dài, không phải làm một sớm một chiều. Chẳng hạn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 15 năm nay rồi chứ có phải giờ mới làm đâu nhưng nay phải đẩy nhanh hơn và bài bản hơn. Tư tưởng như vậy nhưng để thành chính sách thì vô cùng gian nan cần có quyết tâm cao và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo