Bộ Tư pháp bác bỏ thông tin "1 tuần thẩm định 44 nghị định"
Nhiều ngày qua, một số cơ quan báo chí dẫn lời ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, do thời hạn gấp nên nhiều nghị định được xây dựng mà không đăng dự thảo trên mạng, không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp (DN), không tổ chức hội thảo, không đánh giá tác động, không tổng kết thi hành, không kiểm soát thủ tục hành chính, không bản thuyết minh, không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.
Đặc biệt, theo số liệu từ VCCI, đến ngày 31/5 các bộ đã xây dựng được 49 nghị định, trong đó đã trình 38 nghị định và có 11 nghị định đang chờ để trình. “Tình trạng này dẫn tới Bộ Tư pháp quá tải khi phải thẩm định 44 nghị định trong một tuần. Ngay cả VCCI cũng thế, do khối lượng công việc quá lớn vì có 24/49 nghị định được gửi lấy ý kiến”, theo lời ông Tuấn.
Trước thông tin này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã lên tiếng phủ nhận. Theo đó, người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, để thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014, trước tình trạng chậm ban hành các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, tại Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016 về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư nhằm tránh các “lổ hỗng” pháp lý từ ngày 01/7/2016, trong đó có chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo quy định tại Điều 75 và Điều 76 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì Bộ Tư pháp đã thẩm định chùm nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp đều thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan và đại diện của hiệp hội doanh nghiệp, đồng thời có mời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (trong một số trường hợp có cả doanh nghiệp) tham gia.
Tuy nhiên, trong rất nhiều cuộc họp tư vấn thẩm định, mặc dù được mời nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không cử đại diện tham dự. Trường hợp có ý kiến bằng văn bản thì gửi muộn nên Bộ Tư pháp cũng không kịp tiếp thu đưa vào báo cáo thẩm định.
"Trong quá trình thẩm định từng dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định của điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng quy định của Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014, đó là không chỉ vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; mà còn phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư", Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Cụ thể, theo Thứ trưởng, về sự phù hợp; tính cần thiết của các quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh quy định trong các dự thảo Nghị định và khả năng thay thế các quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh đó bằng một số quy định, điều kiện ít hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hay không trong các cuộc họp của Hội đồng tư vấn thẩm định và trong các văn bản thẩm định.
Hội đồng tư vấn thẩm định cũng như trong công văn thẩm định luôn quan tâm đến việc kiểm soát thủ tục hành chính - một vấn đề thường đi liền với điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo thống kê, qua thẩm định các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó quy định trung bình hơn 10 TTHC/dự thảo Nghị định, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tiến hành đánh giá tác động của các thủ tục hành chính (TTHC) hoặc đánh giá chưa theo đúng yêu cầu quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013. Các quy định về TTHC còn chưa đầy đủ các bộ phận cấu thành TTHC và không rõ ràng, minh bạch (tên thủ tục hành chính; trình tự thực hiện; hồ sơ; thời hạn giải quyết; đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính). Một số quy định TTHC còn chưa phù hợp, tạo gánh nặng TTHC cho doanh nghiệp. Các nội dung này đã được Bộ Tư pháp có ý kiến chi tiết trong từng báo cáo thẩm định.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, một số cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định cũng như các hồ sơ, tài liệu kèm theo, qua đó nâng cao chất lượng dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
"Ý kiến của ai đó về việc Bộ Tư pháp thẩm định 44 nghị định chỉ trong 1 tuần là hoàn toàn không chính xác. Trong chùm các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh đã có nhiều nghị định được Bộ Tư pháp thẩm định từ trước đó rất lâu như Nghị định kinh doanh casino, Nghị định về kinh doanh dịch vụ mua bán nợ...", Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng, việc thẩm định các nghị định cũng được thực hiện rải rác, tập trung trong thời gian cuối tháng 4 và tháng 5/2016 và do 3 đơn vị xây dựng pháp luật thực hiện; tiến độ thẩm định được thực hiện trong 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đối với từng dự thảo.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng khẳng định, mặc dù các điều kiện đầu tư kinh doanh hầu hết được nâng từ thông tư lên Nghị định nhưng không phải vì thế mà công tác thẩm định bị coi nhẹ. Chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, có ý kiến đối với các điều kiện đầu tư kinh doanh nếu không cần thiết, không hợp lý, thiếu minh bạch, không rõ ràng. Các điều kiện đầu tư kinh doanh mang tính can thiệp hành chính, không phù hợp với việc bảo đảm cạnh tranh, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hoặc mục tiêu quy định điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Điều 7 Luật Đầu tư đều được Bộ Tư pháp quan tâm, có ý kiến trong các công văn thẩm định.
Theo Thứ trưởng, quan điểm của Bộ là “cắt gọt” các yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh, làm rõ ràng, cụ thể, minh bạch các yêu cầu sau “cắt gọt”… Vì vậy, về cơ bản, bảo đảm chất lượng thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ về các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tất cả các quan ngại đều đã được phân tích, mổ xẻ và đề xuất biện pháp khắc phục trong các cuộc họp này. Không những thế, trong các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ với các Bộ liên quan về các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong thời gian vừa qua, đại diện Bộ Tư pháp luôn nêu các bất cập, quan ngại về đề xuất giải pháp cụ thể để khắc phục, hoàn thiện. Riêng Thông tư 20/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp có Báo nêu là không chính xác vì thực chất đây là Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững