Xã hội

Bộ Y tế họp báo sau vụ hỗn loạn tiêm vắc xin 5 trong 1

(DNVN) - Sáng nay 26/12, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo trả lời xoay quanh việc thiếu vắc xin 5 trong 1 gây ra sự hỗn loạn tại điểm tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Tin tức trên báo Zing news, vào 10h40 phút sáng 26/12, Bộ Y tế gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về công tác tiêm chủng cũng như tình trạng thiếu hụt vắc xin.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện tồn tại 2 hình thức tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Nếu tổ chức không tốt sẽ có sự so sánh vắc xin dịch vụ tốt, miễn phí không tốt.

Nhiều phụ huynh chen lấn, gây hỗn loạn tại điểm tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội. Ảnh báo Vietnamnet.

Chương trình tiêm chủng mở rộng cung cấp vắc xin Quinvaxem, thành phần giống vắc xin dịch vụ Pentaxim. Một năm, 4,5 triệu trẻ được tiêm Quinvaxem, người dân ở TP HCM hiện cũng quay lại tiêm Quinvaxem.

"Tuy nhiên, tại sao các bà mẹ lo ngại khi tiêm vắc xin này? Quinvaxem là vắc xin toàn tế bào nên khiến trẻ đau, sốt hơn là vắc xin vô bào Pentaxim. Vì thế, nhiều bà mẹ muốn chuyển sang tiêm dịch vụ", ông Phu nói.

Theo ông Phu, vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 hiện rất khan hiếm, do nhà sản xuất không có khả năng cung cấp nhiều. Nhưng tiêm chủng mở rộng vẫn là ưu điểm số 1. Không vì thông tin không tốt mà gây ảnh hưởng việc tiêm chủng mở rộng.

"Nếu phụ huynh không tiêm chủng mở rộng nữa, không tiêm Quinvaxem, dịch sẽ bùng lên", Cục trưởng Y tế dự phòng chia sẻ. "Các điểm tiêm dịch vụ cũng phải tiêm Quinvaxem miễn phí. Các điểm tiêm phải tuyên truyền phụ huynh, thiếu thuốc dịch vụ thì phải quay sang tiêm Quinvaxem đúng lịch, không được chờ thuốc. Tôi chỉ sợ nhất là dịch bùng phát", ông Phu chia sẻ.

Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay chương trình tiêm chủng ở nước ta đang tiêm khoảng 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng là 12 loại, còn lại là các loại vắc xin dịch vụ. Báo Trí thức trẻ thông tin.

 

Muốn thanh toán được bệnh thì phải tiêm chủng và chỉ có vắc xin mới làm được vấn đề phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.Hiện nay, việc tiêm vắc xin vẫn còn nhiều vấn đề, chính là việc so sánh vắc xin dịch vụ và vắc xin miễn phí.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam luôn đạt trên 90%, nếu tỷ lệ tiêm chủng dưới 60% thì chắc chắn bùng phát bệnh. Ví dụ điển hình nhất đó chính là bệnh bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà ở Hà Nội.

Ông Trần Đắc Phu trong buổi họp báo tại Bộ Y tế sáng 26/12.Ảnh báo Trí thức trẻ.

"Điểm tiêm chủng lộn xộn ở Lương Thế Vinh là không được. Ngay sau đó, chúng tôi đã có công văn yêu cầu thực hiện tốt việc triển khai tiêm chủng. Chúng tôi quán triệt các điểm tiêm chủng cần phải vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức đảm bảo khoa học và đảm bảo tính an toàn khi tiêm chủng."

"Chúng tôi nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoạc tuồn vắc xin từ cơ sở nhà nước ra ngoài. Bộ Y tế không nghiêm cấm hình thức tiêm nào, nhưng tôi cũng phải khằng định tiêm chủng mở rộng là rất quan trọng. Cần truyền thông để người dân không hoang mang, bỏ tiêm chủng mở rộng", ông Phu nhấn mạnh.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược lý giải về việc nhập khẩu, khan hiếm vắc xin, trên thế giới có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắc xin vô bào là Nhật Bản, GSK và Sanofi. Hiện chỉ có 2 nhà SX là GSK và Sanofi.

 

Năm ngoái, các nhà sản xuất kiểm tra định kỳ thì phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể nên phải tạm dừng một số lô vắc xin.
Cộng thêm tình hình dịch bệnh trên thế giới khiến nhu cầu vắc xin tăng cao, các doanh nghiệp GSK và Sanofi ưu tiên cho các quốc gia dùng vắc xin này trong tiêm chủng mở rộng. Đó là 3 nguyên nhân dẫn đến khan hiếm.

Trước đó vào đêm 24/12 rạng sáng ngày 25/12, tại điểm tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội đã có khoảng 500 phụ huynh chen chúc, la ó trong đám đông để đến lượt tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ. 

Nguồn cung không đủ cầu, hàng trăm người đã chen lấn, xảy ra hỗn loạn, một số người đã ngất xỉu mà vẫn chưa đến lượt tiêm vắc xin cho con mình.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo