Bộ Y tế: Không có chuyện "ngực lép" không được lái xe
Trong công văn ban hành chiều 26/8 ,Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế - đơn vị được đầu mối xây dựng thông tư liên tịch này) cho biết hiện nay cơ quan này đang trình báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế để thành lập ban soạn thảo thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Giao thông vận tải quy định về Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (theo quy định tại khoản 2 điều 60 Luật Giao thông đường bộ).
Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa hoàn tất việc thành lập ban soạn thảo nên chưa có bất kỳ bản dự thảo nào về Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe như báo chí đã đưa tin.
Để đảm bảo tính khoa học, phù hợp thực tiễn, Bộ Y tế cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá khoa học về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe trước khi ban hành thông tư này. Khi đánh giá sẽ căn cứ vào các chỉ số sinh lý của người Việt Nam bình thường, căn cứ vào kết quả khảo sát thực trạng sức khỏe người lái xe hiện tại và có tham khảo quốc tế.
Dù có triển khai cách nào để xây dựng thông tư liên tịch này thì Bộ Y tế khẳng định nguyên tắc khi xây dựng là đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lái xe, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Năm 2008, dự thảo quy định “ngực lép” không được lái xe do Bộ Y tế ban hành đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ. Dự thảo này quy định để tham gia thi lấy bằng lái ô tô, xe máy, người dân cần phải vượt qua 83 tiêu chuẩn về sức khỏe. Trong đó, có những tiêu chuẩn kỳ lạ như: Muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy 50 cm3 trở lên (bằng lái A1, B1) thì bộ ngực phải đảm bảo có số đo không dưới 72 cm.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định theo hướng người có “ngực to” sẽ có nhiều cơ hội để được “lái xe to”. Cụ thể, nếu ngực ở ngưỡng 74-76 cm thì được cấp bằng lái xe hạng A3, A4, B2; còn to hơn nữa sẽ đủ điều kiện lái xe siêu trường, siêu trọng hạng C, D, E, F, A2.
Ngoài 6 tiêu chí về thể lực, dự thảo còn đưa ra 77 tiêu chí khác quy định về chức năng sinh lý, bệnh tật, trong đó có những người bị bệnh da liễu, trĩ, suy thận, cận thị… ở một số cấp độ khác nhau sẽ không đủ điều kiện để lái những loại xe khác nhau.
Văn bản này sau đó đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện tham gia giao thông; tạo sự đối xử không cần thiết với một số công dân.. Từ đó đến nay đã 5 năm nhưng chưa có dự thảo mới nào được đưa ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo