Thị trường

Bội chi ngân sách sẽ giảm trong những năm tới

(DNVN) - Theo định hướng kế hoạch ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân (tính theo quy định của Luật NSNN hiện hành) sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán).

Đó là nhận định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên liên quan đến vấn đề bội chi ngân sách Nhà nước đang được dư luận quan tâm tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua.

Tại buổi họp, trả lời câu hỏi về tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 từ 3,02 đến 3,09 triệu tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280 nghìn tỷ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định, liệu có đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong 5 năm tới, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 khoảng 6,5% - 7%/năm.

"Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến. Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay.

Cũng theo người phát ngôn Chính phủ, theo định hướng kế hoạch ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân (tính theo quy định của Luật NSNN hiện hành) sẽ ở khoảng 4,9% GDP, trong khi bình quân 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 5,4% (số tạm tính, chưa quyết toán). Như vậy, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 bội chi thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015.

Để đạt được mục tiêu về bội chi NSNN như trên, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, chính sách về thu, chi NSNN. Cụ thể, đối với thu NSNN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh qua đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN; hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế góp phần bảo đảm nguồn thu.

Đối với chi NSNN, đổi mới chính sách phân phối tài chính thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn. Bố trí cho đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu lại chi NSNN trong từng lĩnh vực để dành nguồn cải cách tiền lương.  

Theo người phát ngôn Chính Phủ, với mức bội chi NSNN dự kiến như trên, nợ công sẽ được kiểm soát không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP. 

Chủ nhiệm VPCP cho biết, để tăng cường quản lý nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015. Trong đó tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, bảo đảm trong giới hạn cho phép; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng cường thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, sẽ quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay bảo lãnh Chính phủ; tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo