Tin tức - Sự kiện

BOT Cai Lậy: BVEC “bán tháo” dự án cho Công ty Bắc Ái ngay sau khi khởi công?

(DNVN) - Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) ban đầu được phê duyệt do BVEC và TRICO làm chủ đầu tư, tuy nhiên không lâu sau khi khởi công, BVEC đã âm thầm “chuyển nhượng” cho Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái. Dự án chậm tiến độ 02 năm so với dự kiến và ngay khi đưa vào hoạt động, thu phí đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân, doanh nghiệp.

“Méo mó” BOT vì thu phí trên đường quốc lộ của dân

Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và tăng cường mặt đường đoạn từ Km1987+560 đến Km2014+000 được khởi công ngày 20/2/2014 theo hình thức hợp đồng BOT, do Liên danh Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (TRICO) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng chiều dài là 38,52 km, với tổng mức đầu tư là 1.398 tỷ đồng, trong đó phần tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,02 km, cấp đường theo tiêu chuẩn đường cấp II, xây dựng mới 7 cây cầu; phần tăng cường mặt đường QL1 có chiều dài 26,5 km; dự kiến hoàn thành vào quý IV/2015.

Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) "vỡ trận" chỉ sau vài ngày đi vào hoạt động, khai thác.

Tuy nhiên, trong khi triển khai, dự án liên tục chậm tiến độ, nhiều lần bị Bộ GTVT nhắc nhở và yêu cầu xử lý chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thi công để xảy ra tình trạng trên.

Ngay khi tiến hành thu phí vào ngày 01/8 vừa qua, trạm thu phí Cai Lậy đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp khi liên tục sử dụng tiền lẻ có mệnh giá 200, 500 đồng để mua vé qua trạm, gây ùn tắc kéo dài trong nhiều ngày.

Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đã tiến hành kiểm tra thực tế, đưa ra phương án giảm giá phí nhưng cho phép chủ đầu tư tăng thời gian thu phí khiến không ít người dân càng bức xúc hơn.

Tuyến đường tránh Cai Lậy cũng được phát hiện “thiếu” 2 cây cầu so với thiết kế được phê duyệt ban đầu, khiến giá trị đầu tư của tuyến giảm hàng chục tỷ đồng, nhưng không được chủ đầu tư làm rõ việc hạch toán vào chi phí suất đầu tư, phí và thời gian thu phí.

"Âm thầm" thay đổi nhà đầu tư, điều chỉnh dự án và vị trí đặt trạm

 

Theo tìm hiểu của PV, Dự án ban đầu được phê duyệt thi công “tuyến tránh QL1 qua thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Chiều dài tuyến tránh 12 km, tổng mức đầu tư 1.700 tỉ đồng”, tuy nhiên, sau đó đã được Bộ GTVT “điều chỉnh” và thêm hạng mục “Tăng cường mặt đường QL1…”

Thêm vào đó, ngay sau khi được phê duyệt dự án và tiến hành khởi công xây dựng, một đơn vị trong liên danh là BVEC đã chuyển nhượng suất đầu tư của mình cho Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái (trụ sở tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Dự án sau đó chậm tiến độ triền miên và phải mất gấp đôi thời gian dự kiến mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ có mệnh giá 200, 500 đồng để mua vé qua trạm.

Một số ý kiến cho rằng, đây là gói thầu chỉ định, nên trước khi chỉ định thầu các cơ quan quản lý, chức năng phải làm đầy đủ quy trình xem xét, đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Dự án bất ngờ, “âm thầm” được chuyển giao cho một đơn vị khác nhưng không hề công khai, minh bạch; không đánh giá được năng lực nhà đầu tư… là một phần nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ và hàng loạt bất cập sau khi đi vào vận hành.

Vị trí đặt trạm BOT cũng được thay đổi, điều chỉnh từ Km1999+900 về Km1999+300 theo “đề nghị” của UBND tỉnh Tiền Giang tại văn bản số 4717/UBND-KTN ngày 02/10/2015, tức là chuyển từ vị trí chỉ thu phí đường tránh, sang thu phí cả đường tránh và QL1 qua thị xã Cai Lậy, với lý giải “Trường hợp đặt trạm thu phí trên tuyến tránh thì có thể các phương tiện có xu hướng vẫn tiếp tục đi trên QL1 hiện hữu (do không phải trả phí) và khi đó QL1 sẽ tiếp tục xuống cấp, ùn tắc, mất an toàn giao thông và mục tiêu đầu tư tuyến tránh không phát huy hiệu quả; đồng thời, dự án sẽ không đảm bảo khả thi về mặt tài chính”.

Với việc thay đổi nội dung dự án đầu tư và vị trí đặt trạm thu phí BOT, nhà đầu tư đã hợp thức hóa được việc thu phí trên tuyến QL1 vốn đã được nhà nước đầu tư trước đó; được nâng cấp, sửa chữa bằng kinh phí bảo trì đường bộ và người dân vẫn đi lại bình thường.

 

Thiết nghĩ, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang cần làm rõ ngay những vấn đề trên để trả lời người dân và dư luận, trước khi tiến hành nghiệm thu, đưa dự án vào hoạt động, khai thác.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Mạnh Hùng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo