Quốc tế

Brazil phế truất tổng thống: Làn sóng phản đối dữ dội từ người dân

(DNVN) - Quyết định phế truất tổng thống Brazil, bà Rousseff đã làm dấy lên làn sóng phản đối rộng rãi trong dân chúng nước này.

Tối 31/8 (giờ địa phương), với 61 phiếu đồng ý và 20 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã chính thức bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff. Sự “ra đi” của “bà đầm thép” Mỹ Latinh này đã đặt dấu chấm hết cho 13 năm lãnh đạo của đảng Lao động cánh tả tại Brazil

Những người biểu tình phong tỏa đường sá và nổi lửa. Ảnh PLO.

 

Đây là kết quả sau các phiên điều trần của Thượng viện Brazil kể từ khi bà D.Rousseff bị đình chỉ chức vụ (từ ngày 12/5) để phục vụ công tác điều tra. Nữ tổng thống 68 tuổi bị cáo buộc đã "làm đẹp" các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014, đúng năm bầu cử và sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội. Báo Hà Nội mới thông tin.

Đến thời điểm này, dù thừa nhận đã phạm sai lầm trong các chính sách điều hành kinh tế, song bà D.Rousseff vẫn bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm kỷ luật tài chính; đồng thời cho rằng phiên luận tội của Thượng viện hoàn toàn không có cơ sở và những người buộc tội bà cũng không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy bà có dính líu tới hành vi tham nhũng. 

Nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ không từ bỏ việc bảo vệ nền dân chủ, chân lý, sự thật và quyền lợi của nhân dân. Ba giờ sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống lâm thời Michel Temer đã chính thức tuyên thệ, trở thành Tổng thống Brazil. 

Ông yêu cầu các bộ trưởng bảo vệ Chính phủ khỏi các cáo buộc rằng việc hạ bệ bà D.Rousseff thực chất là một cuộc đảo chính; đồng thời hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để vực dậy nền kinh tế đất nước. 

Diễn biến ở Brazil đã làm bùng nổ nhiều tranh cãi. Nhiều người cáo buộc hành động phế truất bà là âm mưu của phe cánh hữu nhằm lật đổ một Chính phủ đã giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người nghèo. 

 

Trong khi đó tại Brazil, không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, quyết định bãi nhiệm bà Rousseff đã làm dấy lên làn sóng phản đối rộng rãi trong dân chúng Brazil, cũng như châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn ở nước này. Báo Công an Nhân dân thông tin.

Tại San Paolo, hàng chục nghìn người tổ chức biểu tình phản đối việc luận tội dẫn đến phế truất bà Rousseff đã đụng độ dữ dội với cảnh sát vũ trang tại khu vực trung tâm thành phố. Một số người biểu tình trên đại lộ Paulista đã đốt các thùng rác và rào chắn để phong tỏa các lối đi. 

Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình quá khích. Đáp lại, đám đông cuồng nộ đã tấn công cảnh sát bằng gạch đá và trái nổ tự chế. Trước đó, hôm 29/8, khoảng 2.000 người ở Brasillia và hàng trăm người ở Rio de Janeiro đã tuần hành trong hòa bình kêu gọi đưa bà Rousseff trở lại cương vị tổng thống. 

Về phía bà Rousseff, phát biểu bên ngoài dinh Tổng thống cùng đám đông người ủng hộ, bà khẳng định mình vô tội và nói việc bãi nhiệm bà là một “cuộc đảo chính trong Quốc hội” có sự hỗ trợ của một số người có ảnh hưởng về kinh tế: “Họ (các Thượng nghị sĩ - PV) đã quyết định chấm dứt quyền hạn của tổng thống, người đã không phạm bất cứ tội gì. Họ đã kết tội một người vô tội để thực hiện một cuộc đảo chính nghị trường”. 

Bà đồng thời khẳng định, tại thời điểm này, “tôi sẽ không nói lời tạm biệt các bạn bởi tôi chắc chắn mình sẽ còn trở lại”. Bà Rousseff nhấn mạnh sẽ cùng với những người ủng hộ tiếp tục các hoạt động chính trị và phát triển đường lối “về một đất nước Brazil do người dân làm chủ”.

 

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo