Brexit: Cơ hội hiếm có cho thành viên ở lại Liên minh châu Âu
Phát biểu tại Quốc hội trước khi bay sang Berlin để có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Renzi cho rằng EU lúc này cần phải tập trung nhiều hơn đối với các vấn đề xã hội và ít hơn đối với các vấn đề cơ cấu tổ chức.
Kết quả trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit đã làm gia tăng những tranh cãi về cải cách, điều mà Italy từng đưa ra với các đối tác, do vậy ở thời điểm này cơ hội thành công là rất lớn.
Một số quan chức cấp cao của Ý cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đang đem lại các cơ hội cho Italy, đặc biệt là việc cho phép nước này tăng chi tiêu mà không phải vi phạm những hạn chế thâm hụt ngân sách của EU.
Rome cũng đang hy vọng có được sự ủng hộ của EU đối với những đề xuất của nước này về việc bảo vệ các ngân hàng trong nước vốn đang lâm vào tình trạng "đứng ngồi không yên" sau khi cổ phiếu của các ngân hàng trên bị giảm mạnh do đợt bán tống tháo của các cổ đông kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.
"Tăng trưởng nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, giảm thắt lưng buộc bụng, giảm bộ máy hành chính - đó là con đường mà chúng tôi đã đề xuất cho 2 năm tới. Cho phép tôi nói rằng Brexit có thể là cơ hội lớn cho châu Âu" - ông Renzi nói.
Trước đó, các chuyên gia nhận định, việc mất đi một trong những thành viên lớn nhất sẽ dẫn tới những thay đổi lớn trong Liên minh châu Âu (EU) vốn đang đối mặt với những khó khăn từ cuộc khủng hoảng người nhập cư và khủng hoảng kinh tế.
Anh đóng góp vào ngân sách EU tổng cộng 19,4 tỉ euro (21,4 tỉ USD) trong năm 2016. Trước mắt, sự ra đi của Anh khiến các nước thành viên khác sẽ phải gồng mình để bù đắp vào khoảng thiếu hụt do nước này để lại. Về lâu dài, Brexit có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền, kéo theo nhiều quốc gia khác cũng tiến hành trưng cầu dân ý. Điều này có nguy cơ dẫn tới sự tan rã của khối liên minh vốn tồn tại hơn 60 năm qua.
Cùng quan điểm trên, ông Chris Bickerton - Giảng viên Đại học Cambridge (Anh) - nói, EU sẽ bị một cú sốc rất nghiêm trọng về mặt chính trị và kinh tế từ Brexit nhưng không đến nỗi sụp đổ. Tuy nhiên, EU có thể trở thành một liên minh "lỏng lẻo hơn và không theo thể thức" sau Brexit. Những bước đi tiếp theo của EU sẽ vô cùng khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo