Bù đắp một phần lương hưu cho phụ nữ bị thiệt thòi giai đoạn 2018-2021
Do đó, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện “bù đắp” một phần lương hưu cho những người nghỉ hưu từ 1/1/2018 đến năm 2021.
Giảm sốc khi thay đổi cách tính lương hưu
Theo Luật BHXH năm 2014, từ 1/1/2018 thay đổi cách tính về tỷ lệ hưởng lương hưu với nam và nữ. Theo đó với lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
Lao động nam nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (so với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
Việc thay đổi này đã tác động không nhỏ đến một bộ phận phụ nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018, trong đó có không ít người bị thiệt khoảng 10%.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thống nhất giao Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 và bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã gửi Tờ trình số 231/TTr-CP về việc đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018. Theo đó, do quy định công thức tính lương hưu của nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm, nhưng với lao động nữ, việc thay đổi được áp dụng ngay trong năm 2018. Điều này khiến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017 (từ 1% đến 10%).
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 và có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng trên 91.000 người, gồm: 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.
Qua đánh giá của Bộ LĐTBXH và ý kiến tham gia của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc xây dựng giải pháp hỗ trợ, khắc phục hạn chế nêu trên, giảm thiểu tác động đối với số lao động nữ bị thiệt do thay đổi công thức tính lương hưu là cần thiết. Qua đó phần nào đảm bảo lộ trình hài hòa giữa lao động nam và lao động nữ, giữa các lao động nữ nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1/1/2018.
Tỉ lệ hỗ trợ giảm dần
Theo Bộ LĐTBXH, việc hỗ trợ sẽ áp dụng trực tiếp vào lương hưu. Mức lương hưu sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu ở những lần điều chỉnh lương hưu tiếp theo theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội.
Về tỉ lệ hỗ trợ, phân tích cho thấy, do thời gian đã đóng BHXH của lao động nữ là khác nhau nên tỷ lệ hưởng lương hưu bị giảm trừ cũng khác nhau. Điều này dẫn đến các mức điều chỉnh cũng phải tính toán khác nhau, tùy thuộc vào số thời gian đã đóng BHXH và năm bắt đầu hưởng lương hưu.
Theo Tờ trình của Bộ LĐTBXH, Chính phủ sẽ điều chỉnh để hỗ trợ số tiền tương ứng với chênh lệch lương hưu nếu tính Luật Bảo hiểm xã hội (10%) so với nếu thực hiện theo lộ trình như nam giới. Tức là sẽ bù vào tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu năm 2018 là 8%; 2019 là 6%; 2020 là 4%; 2021 là 2% và từ 2022 thì không được bù vì kết thúc lộ trình như nam giới.
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH đã cùng Bộ LĐTBXH trình phương án bù cho từng lao động nữ phù hợp để đến năm 2021 bình đẳng so với nam giới.
Về nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh, nội dung Tờ trình cho thấy, thực hiện theo phương án điều chỉnh nêu trên, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm sẽ phát sinh thêm nhu cầu kinh phí cụ thể như sau: Năm 2018: 27,8 tỷ đồng; năm 2019: 23,7 tỷ đồng; năm 2020: 18,1 tỷ đồng; năm 2021: 10,3 tỷ đồng. Tổng cộng kinh phí sẽ khoảng 80 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc