Tin tức - Sự kiện

Bùng nổ sáp nhập ngân hàng

Sự tham gia của các “ông lớn” Vietcombank, VietinBank, BIDV… sẽ giúp quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn

Nhiều thông tin cho thấy Vietcombank sẽ sáp nhập Saigonbank. Ảnh chụp tại Vietcombank Chi nhánh Bến Thành (69 Bùi Thị Xuân, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 

Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, dự kiến trong năm nay, sẽ có đến 6 thương vụ sáp nhập giữa các NH thương mại, trong đó nhiều tên tuổi lớn cũng vào cuộc. Đây là một bước mạnh mẽ để tái cấu trúc ngành NH, sau thời kỳ các NH tự tìm kiếm đối tác sáp nhập.

Hết thời tự nguyện

Bên cạnh những thương vụ gần như đã chắc chắn - như: NH Phương Nam sáp nhập NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NH Mê Kông (MDB) về với NH Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) - thì gần đây, giới tài chính liên tục truyền tai nhau việc nhiều NH nhỏ sẽ bị các “ông lớn” - gồm: NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và NH Công Thương Việt Nam (VietinBank)  - thâu tóm với sự hỗ trợ của NH Nhà nước về cơ chế, chính sách.

Giới NH khá ngạc nhiên khi biết đối tác sẽ về “một nhà” với Vietcombank không phải là NH Xây dựng mà là NH Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) dù trước đó, Vietcombank đã ký hợp tác toàn diện với NH Xây dựng hồi tháng 8-2014, đồng thời cử người sang hỗ trợ NH này. Lãnh đạo Vietcombank phát biểu rằng đây là thời điểm và cơ hội tốt để thực hiện sáp nhập một NH khác, giúp tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Với BIDV và VietinBank, thông tin vẫn chưa thực sự rõ ràng nhưng nhiều người tin “chắc như bắp” rằng đối tác của BIDV chỉ có thể là NH Phát triển nhà đồng bằng sông Cửa Long (MHB); còn VietinBank có thể cùng lúc sáp nhập 2 NH TMCP nhỏ hơn là NH Đại Dương (Ocean Bank) và NH Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank, nói với phóng viên Báo Người Lao Động rằng đến giờ, vẫn chưa có thông tin chính thức về các đối tác mà NH sẽ nhận sáp nhập.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Vietcombank mới đây, Thống đốc NH Nhà nước cho biết quá trình tái cơ cấu NH đã đi qua giai đoạn 1, các NH đã hết thời hạn “tự nguyện” sáp nhập hoặc tái cấu trúc. Đến lúc này, các tổ chức tín dụng lớn phải tham gia và nhận sáp nhập NH nhỏ. Thậm chí, NH Nhà nước cũng sẽ trực tiếp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Đây là việc bắt buộc phải làm để giúp lành mạnh, cải thiện hệ thống NH. Ngay cả các tổ chức tín dụng khỏe mạnh, tài chính tốt cũng được khuyến khích sáp nhập để lớn mạnh hơn.

Sáp nhập kiểu nối toa tàu

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét ngành NH có đặc thù là không thể chấp nhận những tổ chức tín dụng yếu kém vì có thể ảnh hướng đến lòng tin của dân chúng, người gửi tiền cũng như toàn hệ thống nên Chính phủ không thể chờ đợi quá lâu. Do đó, các NH yếu kém buộc phải sáp nhập NH lớn sau một thời gian “tự nguyện” là điều dễ hiểu.

“Việc gom NH nhỏ vào NH lớn là một xu thế rất tốt để củng cố lại thanh khoản của hệ thống một cách vững chắc và áp dụng các chuẩn mực an toàn mới về quản trị, kế toán tài chính… Đây là việc mà NH Nhà nước đã có kế hoạch từ trước, được thể hiện trong đề án trình Thủ tướng chứ không bất ngờ” - TS Nghĩa cho biết.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng. Bởi lẽ, trên thực tế, đây gần như là thương vụ các NH mạnh thôn tính các NH nhỏ nên không cần phải bàn bạc nhiều về phân chia quyền lực, thị phần... Thay vào đó, các cuộc sáp nhập sẽ mang tính chất như nối toa của NH yếu vào đoàn tàu của NH mạnh.

Nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác, đại điện Công ty Chứng khoán Bảo Việt phân tích “đích ngắm” của NH Nhà nước trong việc sáp nhập NH năm nay là tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề sở hữu chéo. Bởi lẽ, đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát một NH cùng với thành viên HĐQT có “sân sau” trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần.

 

 
Nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm

Vì sao trong các thương vụ sắp diễn ra không có sự góp mặt của nhà đầu tư ngoại hoặc tổ chức tài chính nước ngoài? TS Lê Xuân Nghĩa lý giải: Khi đã sáp nhập bắt buộc thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quan tâm vì về bản chất, Chính phủ muốn xử lý những NH yếu kém, chứ đây không phải là những thương vụ mua bán, sáp nhập thông thường theo thị trường.
 

Người Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo