Bước tiến của thị trường trái phiếu
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam là thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Á trong năm 2012. Mức tăng trưởng thị trường trái phiếu của Việt Nam năm 2012 là 42,7% so với cuối năm 2011. Để tiếp tục nuôi dưỡng nguồn vốn này, góp phần đảm bảo chi tiêu công, cân đối thu chi ngân sách, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kênh dẫn vốn
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, thị trường trái phiếu đã có bước tiến rất lớn, không chỉ ở giá trị huy động vốn cho nền kinh tế mà còn ở quy mô, thể chế và phương thức vận hành. Và sự phát triển của thị trường trái phiếu có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư không chỉ vào thị trường trái phiếu, mà đóng góp cho sự khởi sắc của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Cụ thể, năm 2012, hệ thống KBNN đã huy động được hơn 141.000 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch được giao. Kết quả này đã đánh dấu một bước chuyển mới, với tỷ lệ huy động vốn đạt cao nhất kể từ khi KBNN triển khai nghiệp vụ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Bộ Tài chính đã triển khai mạnh mẽ Đề án “Tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường TPCP” với mục tiêu giảm bớt mã trái phiếu giao dịch trên thị trường; tăng quy mô niêm yết các mã trái phiếu; tăng khả năng thanh khoản cho TPCP trên thị trường nhằm từng bước hình thành các tổ chức tạo lập thị trường hỗ trợ cho thanh khoản thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Bộ Tài chính cũng cam kết sẽ thực hiện chính sách thuế, phí ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phát hành TPCP vẫn còn những hạn chế như: Lịch biểu phát hành bị điều chỉnh nhiều so với lịch biểu công bố ra thị trường; trái phiếu phát hành chỉ tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn và trung bình, phiếu có kỳ hạn 10 năm phát hành khối lượng thấp, chưa có sản phẩm kỳ hạn trên 10 năm... Từ đó, VBMA đã đề xuất các biện pháp để thị trường TPCP tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phát triển các sản phẩm giao dịch đa dạng hơn, tạo thêm cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể đầu tư và tăng thêm sự hỗ trợ nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro. Phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức cho thị trường trái phiếu vì bên cạnh các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm thì các nhà đầu tư trong tương lai trên thị trường trái phiếu cần mở rộng đến hệ thống quỹ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư trái phiếu, các quỹ hưu trí...
Tiếp thu những kiến nghị, đóng góp của thành viên thị trường, ngay từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính công bố danh sách thành viên đấu thầu TPCP, với 36 thành viên đấu thầu và trên 50 thành viên giao dịch gồm các quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán... Đây được coi là động thái của Bộ Tài chính nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu tiến tới chuyên môn hóa hoạt động giao dịch, hình thành hệ thống các tổ chức tạo lập thị trường.
Mở chính sách
VBMA đã tích cực trong các hoạt động phát triển thị trường. Đó là, xây dựng các bộ tài liệu chuẩn hóa thị trường như các Quy ước thị trường, Đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho các giao dịch viên trái phiếu, Cẩm nang hoạt động tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh trái phiếu; từng bước triển khai thỏa thuận của các nhà tạo lập thị trường trái phiếu thứ cấp và cung cấp cho thành viên các giá trái phiếu tham chiếu của nhiều thành viên tiên phong, năng động trên thị trường... Hiện VBMA đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu trái phiếu phục vụ thành viên thị trường, hoàn thiện và đăng tải thông tin trên website của Hiệp hội. Để phát huy vai trò cầu nối giữa thành viên thị trường và cơ quan quản lý nhà nước, VBMA đã tổ chức nhiều buổi đối thoại chính sách, phản ánh ý kiến của thành viên thị trường lên cơ quan quản lý nhà nước…
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đã chính thức phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020. Đây được coi là cơ sở pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu dựa trên những mục tiêu phấn đấu cụ thể như: Đưa tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP tăng từ 18% năm 2011 lên khoảng 38% vào năm 2020, trong đó, dư nợ TPCP chiếm khoảng 22% GDP, dư nợ trái phiếu DN chiếm khoảng 7% GDP, còn lại là trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; sẽ tăng tỷ trọng TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (2011) lên mức 20% (2020).
Trên cơ sở đó, cơ quan này sẽ tập trung hình thành các công ty định mức tín nhiệm tại thị trường trong nước; hình thành và phát triển quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; chính sách về quản lý ngân quỹ để gắn quản lý ngân quỹ với quản lý nợ và phát triển thị trường TPCP...
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam
Cột tin quảng cáo