Bước tiến quan trọng về quyền con người
Dự thảo với 11 chương, 124 điều có nhiều sửa đổi, bổ sung và một số nội dung mới so với Hiến pháp hiện hành.
Quyền được sống trong môi trường trong lành
Người dân góp ý ở đâu, bằng cách nào? Theo hướng dẫn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, người dân có thể gửi ý kiến góp ý trực tiếp đến ủy ban; tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm (tới đây MTTQ VN, các đoàn thể, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh thành sẽ có kế hoạch cụ thể tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm); thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội (http://duthaoonline.quochoi.vn/) và các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuổi Trẻ Online đã đăng tải toàn văn dự thảo trên và sẵn sàng đón nhận, đăng tải ý kiến góp ý của bạn đọc.
Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia có chung nhận xét rằng việc khẳng định quyền con người trong hiến pháp và đưa chương về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” lên vị trí số 2 là bước tiến quan trọng trong lịch sử lập hiến nước ta.
“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” - điều 15 dự thảo viết.
Bên cạnh các điều, khoản được sửa đổi, bổ sung so với hiến pháp cũ, dự thảo có những điều mới hoàn toàn, như: Điều 16: “1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”; Điều 21: “Mọi người có quyền sống”; Điều 45: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”; Điều 46: “1. Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. 2. Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.
Không còn quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”
Một trong những điểm mới, nổi bật đáng chú ý trong nội dung dự thảo là không còn quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” và không quy định cụ thể các thành phần kinh tế.
Điều 54 dự thảo viết: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Như vậy, so với Hiến pháp hiện hành và so với quy định trong bản dự thảo vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 thì bản dự thảo công bố lấy ý kiến nhân dân đã không còn quy định cụ thể về các thành phần kinh tế.
So với quy định của Hiến pháp hiện hành, điều 54 của dự thảo được viết hết sức ngắn gọn, bởi Hiến pháp hiện hành (tại các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25) quy định rất rõ vai trò, vị trí của từng thành phần kinh tế và hình thức sở hữu. “Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng” - điều 15. “Kinh tế nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” - điều 19...
Tóm lại, với quy định mới tại điều 54 dự thảo, thì không còn sự khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử
So với Hiến pháp hiện hành, dự thảo đưa ra các quy định hoàn toàn mới về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và bổ sung quy định về Kiểm toán Nhà nước là ba thiết chế độc lập, do Quốc hội thành lập. Theo đó, “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn” - điều 120.
“Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp” - điều 121.
Về việc sửa hiến pháp, dự thảo có điểm mới là ghi nhận quy định “trưng cầu ý dân” và trao quyền này cho Quốc hội: “Dự thảo hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về hiến pháp do Quốc hội quyết định” - điều 124.
Kiểm soát quyền lực
Chỉ có hai chữ “kiểm soát” được bổ sung, nhưng nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng đây là điểm mới căn bản và bước tiến quan trọng trong lịch sử lập hiến và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Điều 2 dự thảo viết: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo