Cà na ngâm: Ngon mà... độc
Làm hàng không kịp bán
Sau nhiều ngày lân la với những người bán cà na bằng xe đẩy, chúng tôi tìm được một “lò” chuyên cung cấp cà na quy mô lớn. Trong vai khách hàng tìm mua cà na về bán lẻ, chúng tôi đến hẻm số 268 Lý Thái Tổ, Phường 4, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh.
Đầu hẻm chỉ rộng khoảng 1m, càng vô sâu càng hẹp dần. Không thể hình dung được là sâu trong con hẻm này lại có những “lò” chế biến loại quà vặt hấp dẫn ấy.
Vừa bước vào “lò”, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hai thanh niên không mặc áo, tay cầm cây gỗ khuấy liên tục nồi cà na đang luộc. Nồi nước luộc cà na đục ngầu, nghi ngút khói, mùi hăng xộc vào mũi. Cơ sở này chuyên bán sỉ, giao hàng tận nơi nếu mua trên 20kg.
Trong "lò", hàng chục xô nhựa cáu bẩn đựng cà na nằm la liệt trên lối đi. Hàng trăm ký cà na chưa qua sơ chế được đựng trong các bao tải, thau chậu để dưới nền đất.
Một số khác đang sơ chế, ngâm trong các thùng nhựa lớn, bọt sủi lên thành lớp, bốc mùi chua loét. Ông chủ lò từ trong bước ra hất hàm hỏi: “Mua bao nhiêu?”. Bên trong, hàng chục ký cà na đỏ lòm đã qua chế biến, đổ đống dưới nền gạch, được các công nhân mình trần, tay không bốc cho vào từng gói ni lông nhỏ, rồi đóng thành vỉ gồm 10 - 12 gói/vỉ.
Thấy chúng tôi lo ngại chất lượng vệ sinh, ông chủ trấn an: “Yên tâm, tui bỏ mối cho cả trăm sạp ở chợ sỉ, lẻ, chưa kể hàng quán. Mùa này làm hàng không kịp bán”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong hẻm này có ít nhất ba lò sản xuất cà na, cung cấp cho thị trường hàng chục tấn mỗi tháng. Được biết, các chủ “lò” thu mua trái cà na từ các tỉnh miền Tây. Mùa cà na chỉ rộ từ khoảng tháng Bảy đến tháng 10 âm lịch nên để có hàng bán quanh năm, các lò phải trữ cà na bằng cách ủ trong các thùng nhựa lớn.
Tẩm hóa chất độc hại?
Cơ sở của ông N. được xem là có "quy mô sản xuất" lớn nhất khu này, nhưng “hàng” được làm trong căn phòng chưa đầy 10m2, tối om, chật chội, nồng nặc mùi. Chúng tôi đặt mua 10kg cà na và được chủ lò đưa vào bên trong cơ sở xem hàng. Từng thùng nhựa chứa cà na chất lên nhau, dưới sàn là hàng đống cà na vừa ra lò bốc khói nghi ngút.
Ông N. giới thiệu có ba loại: cà na sống, cà na luộc và cà na sên đường, giá 13.000 - 14.000đ/kg. Mua về bán thì lấy cà na đã sên đường, về chỉ cần đóng gói, bán; hoặc có thể mua loại cà na luộc, về ngâm nước đường, ít ai mua cà na sống vì phải chế biến qua nhiều giai đoạn.
"Mua một bán mười", dù mua cà na loại nào thì người bán cũng kiếm được bộn tiền. Vừa hướng dẫn cách làm cho khách, ông N. vừa dùng tay không bốc một nhúm bột màu vàng, một ít bột màu đỏ, màu trắng cho vào nồi nước luộc cà na.
Các chất bột này đựng trong gói đen bày la liệt dưới đất. Ông N. giải thích: “Phải cho phèn chua, chất tẩy trắng, bột màu vào thì cà na sau khi luộc mới không bị đen, chát, lên màu đẹp. Loại hàng dạt là trái nhỏ, hư sẽ được sên đường, cho màu đỏ vào để có màu đẹp…”.
Thấy chúng tôi có vẻ e ngại, ông N. giải thích: “Màu thực phẩm, cả triệu đồng/thùng chứ không phải hóa chất rẻ tiền đâu mà lo!”.
Lấy lý do muốn mua cà na sống về tự chế biến, chúng tôi cò kè ông N. bán cho một ít “gia vị” để về làm thử. Ông N. đồng ý bốc cho mỗi thứ một ít. Khi chúng tôi mang các gói màu “mẫu” này đến chợ hóa chất Kim Biên (Quận 5) hỏi mua, hầu hết người bán chỉ hỏi “mua loại rẻ tiền hay đắt tiền?”. Rẻ thì 50.000 - 70.000đ/100g, đắt thì vài trăm ngàn đến cả triệu đồng, giá nào cũng có.
Tại cửa hàng Y., nhân viên lấy ra hai gói bột màu có đặc điểm giống hệt, chỉ khác ở ký hiệu ghi trên bao bì. Theo nhân viên này, ký hiệu “TP” là thực phẩm, “CN” là công nghiệp. Chúng tôi đưa mẫu nói muốn mua loại giống mẫu đang có, nhân viên báo giá 40.000đ/100g.
“Còn muốn mua màu dùng cho thực phẩm thì giá 200.000đ/100g”, nhân viên này nói.
Hẻm đi vào các lò cà na
Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (Văn phòng phía Nam), cảnh báo: vì lợi nhuận, các cơ sở thường mua hóa chất trôi nổi mà phần lớn là hóa chất công nghiệp vì chi phí thấp gấp nhiều lần so với hóa chất thực phẩm.
Chất tẩy trắng công nghiệp dùng để tẩy cà na rất độc hại, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thần kinh của người dùng. Chất tẩy sẽ gây bệnh mạn tính cho gan, thận, tim, phổi…
ThS Trần Trọng Vũ - giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm (Đại học Công nghệ Sài Gòn) cho biết, chất tẩy trắng mà các cơ sở thường dùng, dưới dạng bột trắng, có thể là các chất thuộc natri sulfit, nếu là phụ gia thực phẩm thì được phép sử dụng, nhưng theo quy định của Bộ Y tế, không được phép tồn dư trong các loại quả muối quá 350 mg/kg sản phẩm.
Đây là một hóa chất có tính oxy hóa khử mạnh nên nếu dùng quá liều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe: gây dị ứng, khó thở hoặc lên cơn hen suyễn… “Các chất màu cũng vậy, nếu không phải phụ gia thực phẩm thì rất nguy hiểm, vì hóa chất công nghiệp rất dễ bị nhiễm kim loại nặng, đặc biệt là các chất màu” - ThS Vũ nói.
Cà na ngâm, sên thường được bán nhiều ở các xe đẩy, hàng rong trước cổng trường. Học sinh, trẻ em rất thích ăn loại quà vặt này. Bác sĩ Ký cảnh báo: “Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa, thần kinh chưa hoàn chỉnh nên sẽ bị hóa chất tác động mạnh, nhanh hơn dù chỉ ăn lượng nhỏ”.
Theo Phụ nữ
End of content
Không có tin nào tiếp theo