Cá nục nhiễm độc phenol được cho là an toàn, Sở Y tế Quảng Trị nói gì?
Tin tức trên báo Thanh niên, sáng 14/6, liên quan đến trường hợp hàng chục tấn cá nục nhiễm độc phenol, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Trần Văn Văn Thành khẳng định Sở Y tế Quảng Trị vẫn giữ nguyên quan điểm phenol là chất cấm không được có trong thực phẩm.
“Các ông ấy nói là tùy các ông thôi, nhưng tôi vẫn bảo vệ quan điểm cũ. Còn giờ tôi đã có văn bản ra ngoài rồi thì xem Trung ương họ nói chính thức thế nào chứ tôi không bình luận gì thêm”, ông Thành nói.
Trao đổi với báo chí, ông Thành cho hay Sở Y tế Quảng Trị nhận thấy các văn bản liên quan hiện tại về quy chuẩn Việt Nam (QCVN) quy định hàm lượng phenol trong một số loại hình như sau: Hàm lượng phenol có trong nước biển là 0,03 Milligam/lít (quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT); Hàm lượng phenol và dẫn xuất phenol có trong nước ăn là 1 Microgam/lít (µg) (quy định tại QCVN 01:2009/BYT);
Hàm lượng phenol có trong bao bì tiếp xúc trực tiếp hoặc làm từ nhựa phenol là 5 Microgam/lit (QCVN 12-1: 2011/BYT). Như vậy, so với các căn cứ nêu trên thì hàm lượng phenol phát hiện trong lô cá nục đông lạnh ở Quảng Trị mới đây là cao hơn nhiều.
Trước đó, chiều 13/6, cung cấp thông tin về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, với hàm lượng 0,037mg phenol có trong cá nục thì một người trưởng thành ăn 0,2kg/ngày liên tục cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Báo VTC News thông tin.
Theo ông Long, phenol là chất không màu hoặc màu trắng, loại chất này có thể là ở rắn hoặc dung dịch, có thể được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên và thường được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp.
“Con người có thể tiếp xúc với phenol qua nhiều nguồn khác nhau từ bề nước mặt, môi trường làm việc như sản xuất nilon, nhựa đều có phenol trong môi trường đó. Thậm chí phenol cũng có trong thực phẩm và có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán...Trong thực phẩm tự nhiên phenol có trong cà chua, chuối, ca cao, quả dâu tây. Thậm chí trong cà chua, táo, lạc... phenol còn khá cao", TS Long nói.
Nhưng trước sự quan tâm của dư luận, Phó Cục trưởng Cục ATTP lưu ý cần phải lấy mẫu để xét nghiệm thêm cho chắc chắn. Nhưng để làm rõ vấn đề lô cá nục này phải có sự vào cuộc của liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo