Cá nục nhiễm độc phenol: Hàm lượng ít phenol không nguy hiểm?
Tin tức trên báo VTC News, những ngày vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã lấy 6 mẫu cá nục trong kho trữ đông chưa bán được để xét nghiệm, trong 6 mẫu có 1 mẫu cá nục nhiễm độc phenol có hàm lượng 0,037mg/1kg cá.
Chiều 13/6, cung cấp thông tin về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, với hàm lượng 0,037mg phenol có trong cá nục thì một người trưởng thành ăn 0,2kg/ngày liên tục cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Ngay sau khi có thông tin, Cục ATTP đã yêu cầu Chi cục ATVSTP Quảng Trị báo cáo, và khi đó họ cũng mới có tờ trình với UBND tỉnh, nhưng không hiểu sao báo chí lại có thông tin”, TS Long cho biết.
Theo ông Long, phenol là chất không màu hoặc màu trắng, loại chất này có thể là ở rắn hoặc dung dịch, có thể được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên và thường được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp.
“Con người có thể tiếp xúc với phenol qua nhiều nguồn khác nhau từ bề nước mặt, môi trường làm việc như sản xuất nilon, nhựa đều có phenol trong môi trường đó. Thậm chí phenol cũng có trong thực phẩm và có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán...Trong thực phẩm tự nhiên phenol có trong cà chua, chuối, ca cao, quả dâu tây. Thậm chí trong cà chua, táo, lạc... phenol còn khá cao", TS Long nói.
Ông Long nói hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy phenol gây ung thư ở người. Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế và cơ quan quản lý môi trường của Hoa Kỳ EPA cũng không xếp phenol vào nhóm gây ung thư ở người. Báo Pháp luật Việt Nam thông tin.
Tuy nhiên, một nghiên cứu TDI (tổng lượng hấp thu trong ngày) của Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu đã chỉ ra thông tin đáng chú ý: phenol mà cơ thể người có thể chịu được rơi vào khoảng 0,18 microgram/kg tỷ trọng/ngày.
Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay chưa có cơ quan nào quy định đối với ngưỡng phenol trong hải sản. Bởi bình thường cá hay hải sản tự nhiên được đánh bắt lên hàm lượng phenol hầu như không có.
“Nói thật, từ trước tới nay chẳng ai nghiên cứu hàm lượng phenol trong hải sản cả. Nếu có nghiên cứu là để đánh giá về mức độ ô nhiễm của môi trường. Khi môi trường bị ô nhiễm thì có thể nhiễm vào con cá chứ tự nhiên chẳng ai người ta đi nghiên cứu phenol trong cá. Hơn nữa, không có quy định thì đi kiểm tra làm gì”- TS Long nói.
Theo ông Long, sau khi sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung, lại có thông tin nói cá nục nhiễm chất độc phenol khiến dư luận lo lắng là chuyện bình thường. Hiện nay thì cũng chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết là cái gì. Vì thế chúng ta không thể quy về cái này, cái khác được. Phải chờ kết quả chính thức rồi mới có đánh giá được.
“Còn với thông tin mẫu cá nhiễm phenol ở mức 0,037mg, nếu thực sự nhiễm đúng như thế thì chưa có bằng chứng nào là ảnh hưởng tới sức khỏe cả. Cá như vậy thì yên tâm và ăn được bình thường không lo bị ảnh hưởng sức khỏe. Tôi cho rằng do việc địa phương cung cấp thông tin không rõ ràng nên mới làm cho người dân cảm thấy hoang mang.”- TS. Long nêu quan điểm.
Nhưng trước sự quan tâm của dư luận, Phó Cục trưởng Cục ATTP lưu ý cần phải lấy mẫu để xét nghiệm thêm cho chắc chắn. Nhưng để làm rõ vấn đề lô cá nục này phải có sự vào cuộc của liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và địa phương.
“Phía Bộ Y tế đã yêu cầu trước mắt, lô cá đó cứ để nguyên ở đấy chưa cho lưu thông. Vài hôm nữa khi có kết quả nếu không thấy có vấn đề gì thì sẽ thông báo chính thức và cho người ta tiêu thụ thôi”- ông Long nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo