Cà phê Việt trước cơn bão FDI
Mất ghế ngay trên sân nhà
Với hơn nửa triệu hecta cà phê, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn cà phê hạt nhưng kim ngạch năm đạt cao nhất (2011) chỉ là 2,4 tỷ USD, do trên 90% sản lượng bán ra mới ở dạng sơ chế giá rẻ.
Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 23 khuyến khích doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh cà phê tại Việt Nam, với điều kiện không trực tiếp thu mua nguyên liệu từ nông dân mà chỉ được đầu tư chế biến sâu. Từ đó, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng mở cửa mời gọi doanh nghiệp FDI với nhiều ưu đãi.
Trước lời mời hấp dẫn từ đất nước số một thế giới về sản lượng cà phê Robusta, lần lượt các đại gia cà phê toàn cầu xuất hiện.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp FDI đến Việt Nam chỉ đánh quả nhanh bằng đầu cơ buôn cà phê hạt. Với lợi thế tuyệt đối về nguồn vốn lớn, lãi suất vay thấp, không phải chia sẻ gánh trách nhiệm về rủi ro thời tiết và đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu, họ dễ dàng lách qua rào cản của Nghị định 23, đẩy nhiều doanh nghiệp nội vào thế phá sản và nguy cơ đánh mất thương hiệu Việt trên thị trường cà phê thế giới.
Liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên được cấp phép xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk từ năm 1995 là Dakman.
Tỉ lệ vốn góp 66,4% của Dakman từ tập đoàn ED&FMAN (Anh), phần còn lại của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Cà phê 2.9 (Simexco Đắk Lắk, doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy). Nhiều năm liền, Dakman liên tiếp báo lỗ, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sau Dakman, có thêm gần chục doanh nghiệp FDI khác được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong số đó, đến nay chỉ mỗi một doanh nghiệp thực sự đầu tư sâu về chế biến, là Công ty TNHH Cà phê Ngon (Ấn Độ) với nhà máy chế biến cà phê hòa tan đặt tại huyện Cư Kuin, công suất 10.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, có sản phẩm xuất khẩu từ quý I-2012.
Nhiều doanh nghiệp FDI khác vẫn chỉ tranh mua, tranh bán cà phê nhân với doanh nghiệp nội. Chính quyền khó xử lý doanh nghiệp FDI xé rào, bởi một mặt đây chính là khách quý do chủ nhà trân trọng rước về, mặt khác do còn có sự đá nhau trong cơ chế, vì Nghị định 23 cấm doanh nghiệp nước ngoài mua hàng trực tiếp, còn Luật Đầu tư thì không.
Dù biết hai chi nhánh Neumann và Olam đã mua trực tiếp hàng trăm tấn cà phê của nông dân từ các năm 2009, 2010, cơ quan chức năng Việt Nam không thể xử phạt. Niên vụ 2010 - 2011, các doanh nghiệp này thu mua và xuất khẩu hơn 180.000 tấn cà phê hạt, gần nửa sản lượng cà phê cả tỉnh.
Đây là mặt hàng được hoàn thuế giá trị gia tăng nên ngân sách chẳng thu được đồng nào, dù chính quyền cùng người dân đã và sẽ còn phải tiếp tục bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để chăm vùng nguyên liệu và cải tạo, tái canh số cà phê già cỗi.
Lách luật bằng cách… hỗ trợ nông dân
Dây chuyền sơ chế cà phê xuất khẩu của Simexco Đắk Lắk. Ảnh: HTN. |
Một trong những cách lách luật dễ coi hơn cả, là thông qua các dự án hỗ trợ nông dân, mà sáng kiến mới được công khai gần đây là một ví dụ.
Tháng 5, dự án Xây dựng hệ thống chế biến ướt cà phê vối cho nhóm nông hộ tại Đắk Lắk được nhóm tư vấn dự án M4P2 giới thiệu với đối tượng thụ hưởng đầu tiên là 53 hộ nông dân huyện Cư M’gar tham gia Hợp tác xã Ea Kiết được nhận chứng chỉ thương mại công bằng, cùng quản lý một hệ thống chế biến ướt cà phê Robusta trị giá sáu tỷ đồng, do Dakman ứng vốn xây dựng rồi bàn giao.
Một trong những bài học về phát triển cà phê bền vững mà chúng ta nên tham khảo là Brazil. Chính phủ Brazil đã có cả một kế hoạch tổng thể nhằm định vị lại ngành cà phê, kiểm soát nguồn nguyên liệu, kiểm soát xuất khẩu, từ đó thúc đẩy nâng giá trị của ngành cà phê lên tầm mức mới, tạo quyền lực cho Brazil trong bức tranh phân phối cà phê của thế giới. Đó là một cơ chế liên thông, tích hợp, theo ngành ngang, ngành dọc trên nhiều khía cạnh: pháp lý, tài chính, thuế, vốn cho vay, chính sách… Bà Phạm Thị Điệp Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên |
Đại diện hợp tác xã, anh nông dân Nguyễn Văn Phúc, vui mừng kể: Với chứng chỉ được cấp, cà phê mang thương hiệu Ea Kiết trồng trên tầng đất bazan màu mỡ nhất của tỉnh Đắk Lắk được Dakman thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng mỗi tấn, bình quân thu nhập mỗi hộ tăng thêm 15-20 triệu đồng/ năm.
Sắp tới sẽ có thêm hàng trăm hộ nữa tham gia dự án, mở rộng nguồn nguyên liệu, tất nhiên sẽ ưu tiên dành bán cho nhà hỗ trợ là Dakman.
Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nội khác khó chen chân vào Ea Kiết để mua cà phê từ đồng hương. Dù khoản tiền hỗ trợ phía doanh nghiệp FDI bỏ ra không lớn lắm, nhưng cũng đủ giúp họ bắc cầu thẳng vào vùng nguyên liệu, lách dễ dàng qua rào cản của Nghị định 23.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết cùng với 12 tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế thành lập 5 nhóm đối tác công tư nông nghiệp cho nhiều loại nông sản, trong đó có cà phê.
Tại diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) tháng 1/2011, 17 công ty đa quốc gia như Nestlé, Yara, Syngenta, Cisco, EDE Consultang, Dakman đưa ra sáng kiến liên kết công tư (PPP) mang tên Tầm nhìn mới cho nông nghiệp, để hỗ trợ nông dân.
Theo đó, riêng chi nhánh Nestlé tại Việt Nam đã thông qua các mô hình dự án nông nghiệp bền vững với mục tiêu công khai mỗi năm mua đứt 1/4 tổng sản lượng cà phê Robusta.
Động thái mang tính áp đảo của đại gia Nestlé khiến các doanh nghiệp nội rúng động. Cuộc chơi của những ông lớn có doanh số vài tỷ USD dễ dàng đập bẹp ý chí của nhiều doanh nghiệp Việt yếu thế.
Sắp lại bàn cờ Cà phê Việt
Hái cà phê. |
Tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), Tập đoàn Thái Hòa bỏ dở xây dựng, nhà máy chế biến Cà phê hòa tan công suất chế biến dự kiến 180.000 tấn/năm. Sự nôn nóng cạnh tranh khi bước vào cuộc chiến không cân sức trước các đối thủ FDI hùng mạnh đã khiến Thái Hòa thảm bại.
Sản lượng cà phê Lâm Đồng 35 vạn tấn/năm phần lớn bị gom vào cái túi khổng lồ FDI, cộng với lãi suất vay tiền đô của doanh nghiệp ngoại chỉ 3,5-4,5%/năm, còn Thái Hòa như mọi doanh nghiệp nội khác chịu lãi nặng gấp 4-5 lần đã sớm kiệt quệ dưới gánh nợ lên đến gần hai nghìn tỷ đồng, tương tự tình trạng Vinacafe Tây Nguyên.
Trước cơn bão FDI, bàn cờ cà phê Việt sắp lại chỉ còn vài quân mạnh với thứ tự top 3 như sau: Số 1 – Tập đoàn Intimex niên vụ 2011-2012 dự kiến xuất khẩu 200 nghìn tấn.
Số 2 - Simexco Đắk Lắk dự kiến xuất khẩu 110 nghìn tấn. Số 3 -Tổng công ty Tín Nghĩa Đồng Nai dự kiến xuất khẩu 90-95 nghìn tấn. Đây là những doanh nghiệp đã chuẩn bị hành trang chặt chẽ trước khi bơi vào biển lớn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xây dựng uy tín đủ để bán hàng trực tiếp cho các nhà rang xay với giá có lợi nhất, có thể vay ngoại tệ từ các ngân hàng nước ngoài với lãi suất ưu đãi.
Dù vậy, ông Lê Đức Thống, Giám đốc Simexco, vẫn cho rằng, trước các đối thủ FDI, ông cùng các cộng sự vẫn không dám ngủ say, quên cảnh giác, lơ là.
Ở phân khúc lợi nhuận cao, Công ty cà phê Trung Nguyên đang đẩy mạnh bán mặt hàng Cà phê hòa tan sang thị trường Trung Quốc. Tính tới tháng 6, dù tốc độ tăng trưởng lên tới 178% so với cùng kỳ năm 2011, doanh nghiệp này vẫn đối mặt nỗi lo tranh mua nguyên liệu của doanh nghiệp FDI. Dù Trung Nguyên đã hỗ trợ vùng nguyên liệu 2.000 ha nhận chứng chỉ UTZ, ai ngăn được các chủ vườn vẫn bán cà phê cho doanh nghiệp FDI, nếu được chào giá cao hơn?
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo