Cá tra đối mặt xuất khẩu khó khăn
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (PORC 13) thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra fillet đông lạnh với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay từ 2,39 USD/kg lên 7,74 USD/kg.
Trong đó Công ty Cadovimex II Seafoods và Hoàng Long Seafoods bị áp mức chạm khung. Với mức thuế CBPG “ngất ngưởng” như vậy, không chỉ riêng các DN xuất khẩu cá tra bị áp mức thuế mới phải đối mặt với khó khăn mà kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong nước năm nay cũng sẽ chịu tác động không nhỏ.
Bởi, cá tra là mặt hàng chủ lực, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, cũng như Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Đối với thị trường Mỹ, tính riêng tháng 2/2018, giá trị xuất khẩu cá tra giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước đạt 15,9 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ngoài khó khăn do vướng thuế cao tại thị trường Mỹ, nhiều DN xuất khẩu cá tra cũng đang đối mặt với sự sụt giảm về sản lượng xuất khẩu do các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Brazil chững lại, thị trường Anh, Đức, Bỉ tiếp tục giảm sâu.
Dự báo, trong quý II/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang những thị trường này sẽ giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Vasep đưa ra khuyến cáo, để tránh những rủi ro các DN có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng khác và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước để tăng sản lượng xuất khẩu.
Điều đáng quan tâm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep cũng chia sẻ thêm thông tin, ngành hàng cá tra đang có những vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết. Nhất là hiện nay, tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu vẫn còn tiềm ẩn, việc thiếu cá tra sẽ có thể diễn ra ít nhất từ nay cho đến hết tháng 6/2018 và sẽ không đủ hàng để cung cấp cho thị trường xuất khẩu chính như châu Âu và Mỹ.
Trước tình hình này, các DN đã và đang có kế hoạch chủ động để kế hoạch doanh thu, lợi nhuận không bị ảnh hưởng nhiều dù thị trường thu hẹp, sản lượng xuất khẩu sụt giảm. Đơn cử như CTCP Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia I.D.I đã nhanh chóng tìm kiếm thêm các đối tác tại các thị trường khác ngoài Mỹ, thuyết phục họ đồng ý nhập khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng như dầu cá, thực phẩm chế biến sẵn từ con cá tra.
Đồng thời, I.D.I chú trọng đầu tư khép kín chuỗi giá trị con cá tra. Ngay từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, I.D.I đã ký kết hợp tác bao tiêu toàn bộ cá giống với các hộ ương của Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) và Hội Nghề cá huyện Châu Phú. Thông qua việc kết nối này, công ty đã dần tạo bước tiến mới trong việc cải thiện chất lượng và hướng tới chủ động con giống thả nuôi theo kế hoạch dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Cùng với đó, I.D.I dự kiến 2018 tổng doanh thu sẽ là 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận 580 tỷ đồng trên cơ sở kết quả kinh doanh của năm 2017 đã đạt được 5.332 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế gần 350 tỷ đồng. Hay như trường hợp của DN xuất khẩu cá tra khác là Bien Dong Seafood cũng ký hợp đồng thu mua cá tra nguyên liệu với hộ dân nuôi cá tra, nhằm đảm bảo là sản phẩm sạch, chất lượng cao, ổn định phục vụ cho lượng hàng xuất khẩu không bị thiếu hụt trong tình hình thị trường biến động...
Theo nhận định của các chuyên gia, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các DN xuất khẩu thủy sản luôn phải chủ động và chuẩn bị cho DN mình kịch bản ứng phó và tâm thế lúc nào cũng sẵn sàng cho sự thay đổi của sân chơi toàn cầu. Rõ ràng, không phải bây giờ thị trường Mỹ mới gây “khó” bởi các chính sách thuế mà trong nhiều năm qua DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng luôn phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu khác.
Điều này nhìn ở một góc độ khác lại khiến cho các DN xuất khẩu thủy sản có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc công nghệ, chú trọng tới các mặt hàng giá trị gia tăng cũng như đa dạng hóa thị trường để ngày càng lớn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo