“Nói chủ đầu tư dự án thủy điện không nộp tiền trồng bù rừng là trách nhiệm của bộ mà lại đi kêu là không biết tiền nó đang ở đâu cũng là vô trách nhiệm. Ở đây bản thân Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tắc trách. Còn Bộ Công thương thì buông lỏng quản lý, dễ dãi để cho chủ đầu tư xong việc rồi phủi sạch trách nhiệm…”.
Ông Huỳnh Minh Thiện, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ với Đất Việt xung quanh việc có hơn 20.000 ha đất rừng các loại được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng thủy điện nhưng chủ đầu tư chỉ trồng lại có 1.000ha còn tiền nộp Quỹ để trồng bù rừng cũng không thấy đâu.
PV: - Thưa ông, liên quan đến câu chuyện các chủ đầu tư dự án thủy điện phải nộp tiền để trồng bù lại diện tích rừng đã làm mất hiện đang có nhiều vướng mắc. Thông tin mới nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, con số 20.000ha diện tích đất rừng bị lấy đi làm thủy điện hiện chưa có đồng nào được chủ đầu tư nộp ngược trở lại Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để bộ thực hiện việc trồng bù. Mới đây bộ này có gửi công văn sang Bộ Công thương, đề nghị chỉ đạo EVN, cũng như các công ty thủy điện vừa và nhỏ phải thực hiện trách nhiệm đóng góp số tiền gần 300 tỷ từ dịch vụ môi trường rừng. Xin ông cho biết ý kiến của mình khi nghe thông tin này?
Ông Huỳnh Minh Thiện: – Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan mà ở đây là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, từ việc sử dụng diện tích đất rừng để chuyển đổi để xây dựng thủy điện. Việc đầu tiên phải quan tâm nhất là yêu cầu phải trồng rừng chứ không phải lấy tiền.
Lấy tiền không giải quyết được vấn đề môi trường hay đời sống dân cư thì các ông lại nói rằng không có đất để trồng, thành ra cho bù bằng tiền. Chính vì thế Chính phủ mới cho ra Nghị định cho phép bù bằng tiền.
Thế nhưng xem lại việc thực hiện Nghị định này thì thấy nhà đầu tư vẫn không chấp hành nghiêm túc. Rất nhiều dự án thủy điện đã được triển khai trong khi việc trồng bù lại rừng đã không đúng, không đủ. Rồi tiền bù trồng rừng đã lấy ra trồng được bao nhiêu… cũng không rõ ràng.
Theo báo cáo của Bộ Công thương thì mới trồng được... 2%, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì nói tới... 37%. Nhưng diện tích cụ thể cũng khau. Bộ Công thương thì nói đã phá 50.000ha, còn Bộ NN&PTNT đưa ra con số mới phá 20.000ha. Vậy con số lệch nhau tới 30.000ha rừng này đang ở đâu?
Điều này thể hiện trách nhiệm quản lý yếu kém của các bộ, ngành. Bây giờ Bộ Công thương lại tiếp tục đổ thừa là các địa phương phải có trách nhiệm, nhưng Bộ Chủ quản lĩnh vực thủy điện thì từ khâu quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, tổ chức đầu tư xây dựng giám sát… thuộc về trách nhiệm của bộ ngành. Tham mưu cho Chính phủ các vấn đề về kỹ thuật, vậy mà đến khi nhìn lại thì quá nhiều bất cập.
PV: - Thưa ông Quy định thì đã có nhưng hiện trách nhiệm nhắc nhở đốc thúc các chủ đầu tư nộp đúng, nộp đủ số tiền bù trồng rừng hiện đang đùn đẩy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho rằng Bộ Công thương, địa phương phải chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm nộp tiền bù trồng rừng, ngược lại Bộ Công thương lại cho rằng đó là việc của Bộ NN. Trong khi đó, đất rừng đã lấy, rừng đã phá, thủy điện đã mọc lên. Doanh nghiệp ung dung hưởng lãi còn cơ quan quản lý lúng túng. Theo ông vấn đề này nên giải quyết như thế nào cho thỏa đáng?
Ông Huỳnh Minh Thiện: - Tôi không đồng ý với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương khi nói trách nhiệm của địa phương. Với việc quản lý yếu kém ngay từ đầu do buông lỏng trách nhiệm, dễ dãi trong khi với chủ đầu tư làm thủy điện là kinh doanh vì lợi nhuận. Thành ra chuyện khi người ta đã làm xong việc rồi thì những yêu cầu khác nếu không được giám sát theo dõi chặt chẽ ngay từ đầu thì những việc còn lại họ sẽ phủ sạch.
Ngay như việc đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư không làm hoặc làm kiểu sao chép; rồi phải nộp tiền bù trồng rừng, hay trực tiếp trồng thì họ cũng không chịu làm. Tiếp đến là việc đền bù cho dân, thực hiện tái định cư cũng không làm.
Họ chỉ biết làm thủy điện và thu tiền. Đến khi môi trường xấu đi, bão lũ, cạn kiệt nguồn nước thì dân phải hứng chịu mà không biết kêu ai. Như vậy đời sống dân cư khu vực thủy điện vốn khó khăn càng khó khăn hơn.
Trách nhiệm này chủ đầu tư cũng không cần biết. Cho nên tôi muốn nhắc lại ở đây là trách nhiệm của bộ chủ quản. Người dân cần quản lý nhà nước ở chỗ này. Nhà nước phải có quy định cho nhà đầu tư chấp hành. Việc đóng tiền như thế nào, lấy tiền để phục vụ theo yêu cầu của sử dụng dịch vụ.
Anh đưa ra chính sách rồi lại bảo trách nhiệm của người khác là không được.
PV: - Thưa ông nhưng trong câu chuyện này bên quyết định lấy rừng là Bộ Công thương và địa phương, bên có trách nhiệm trồng rừng là Bộ NN&PTNT. Chủ đầu tư thì xin dự án làm thủy điện rồi bỏ tiền vào túi. Vậy theo ông việc phối hợp ở đây phải như thế nào để tránh tình trạng một bên thì xong việc, một bên xách túi đi đòi tiền?
Ông Huỳnh Minh Thiện:- Việc điều hành phối hợp giữa các bộ ngành đương nhiên là Chính phủ. Nhưng ở đây bản thân Bộ NN&PTNT cũng tắc trách. Đây là trách nhiệm của bộ mà lại đi kêu là không biết tiền nó đang ở đâu cũng là vô trách nhiệm. Bộ không thể ngồi chờ tiền tự chảy về Quỹ mà phải xem các vấn đề liên quan, đặt vấn đề ngay xem vướng ở đâu và tìm cách giải quyết.
Ngay từ đầu bắt buộc phải giám sát. Bây giờ tất cả mọi việc xong rồi lại thấy Quỹ không có gì cả. Như vậy là thiệt thòi cho nhà nước, người dân. Nếu các bộ thấy vướng thì hoàn toàn có thể đề xuất Chính phủ xin hướng giải quyết cụ thể chứ không thể có chuyện ngồi kêu với nhau thế này được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt