Các DN FDI không muốn làm việc theo kiểu "chủ nghĩa phong bì"
Tuy nhiên thời gian tới DN cần triển khai thiết thực, cụ thể, đi vào cuộc sống của Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi cũng như kỳ vọng yếu tố thiếu minh bạch, tham nhũng sẽ được chấn chỉnh.
Tính từ VBF cuối kỳ 2014, đã có sự đổi thay như thế nào trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thưa ông?
Có thể thấy ngay những đổi mới trong xây dựng chính sách. Đó là việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tiến trình hội nhập với kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây là quyết tâm của Chính phủ trong cải cách thể chế, là bứt phá mới.
Tuy nhiên, chính sách đã đúng rồi nhưng điều quan trọng là thực thi pháp luật như thế nào. Nếu luật thực sự đi vào thực tiễn thì mới nói được là chính sách đúng. Tôi hy vọng với sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, các cấp, ngành ở dưới cũng có quyết tâm đó thì công cuộc cải cách thể chế của chúng ta sẽ tiến nhanh hơn.
Ông đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của môi trường kinh doanh Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập đang mở rộng trước mắt?
Tính đến cuối năm 2014, trong 20 năm Việt Nam đã ký kết được 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Năm nay, dự kiến chúng ta sẽ ký thêm nhiều Hiệp định nữa, trong đó có những Hiệp định thương mại tự do quan trọng với nền kinh tế cũng như cộng đồng DN Việt Nam như TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), Việt Nam - EU...
Năm 2015 cũng được coi là năm hội nhập bản lề, bởi vừa đánh dấu kết quả của quá trình tích lũy hội nhập sau 20 năm đổi mới, vừa thực hiện tiếp những FTA đã ký kết và tiếp tục gia nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới với những FTA thế hệ mới.
Như vậy, đã là năm của hội nhập thì môi trường đầu tư của Việt Nam phải được cải thiện. Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Việt Nam còn phải được cải thiện nhiều hơn nữa để vừa thu hút được vốn FDI chất lượng cao, vừa làm cho sức lan tỏa trong hiệu quả vốn FDI đến với DN nhỏ và vừa Việt Nam được tốt hơn.
Vậy theo ông hiện nay vấn đề nào là mấu chốt trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam?
Như tôi đã nói, hiện chính sách pháp luật chúng ta đã xây dựng rồi thì điểm chính hiện nay là thực thi pháp luật. Bên cạnh đó còn có yếu tố quan trọng khác, đó là mình muốn hội nhập tốt thì tính minh bạch phải cao. Các DN FDI, đặc biệt là những DN FDI từ châu Âu, châu Mỹ rất coi trọng tính minh bạch.
Họ không muốn cách làm việc theo kiểu "chủ nghĩa phong bì" hay trái với quy định của tập đoàn, tập quán và thông lệ quốc tế. Việt Nam phải tích cực thay đổi thực trạng này. Đây là vấn đề cấp bách, phải làm, không làm thì không được.
Tham nhũng, kém minh bạch đã là vấn đề cấp bách trong nhiều kỳ VBF, tuy nhiên để thay đổi được thực trạng này không phải là dễ?
Xã hội Việt Nam muốn có minh bạch phải cải tổ nhiều vấn đề, trong đó có chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, trợ cấp và các hệ thống nhân sự, tổ chức, xã hội.
Nếu đổ lỗi nguyên nhân của vấn đề là tại thu nhập của người làm công thấp thì chỉ là một phần. Ở Singapore người ta không thể, không muốn và không dám tham nhũng.
Không muốn tham nhũng vì lương cao, không thể tham nhũng vì hệ thống kiểm soát chặt chẽ, không dám tham nhũng vì họ phạt rất nặng. Từ đó có thể thấy rằng Việt Nam phải làm đồng bộ các khâu bởi đây là một kinh nghiệm phù hợp với chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo