Xã hội

Các dự án BOT: Đại biểu quốc hội lên tiếng

PGS.TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết người dân chỉ bức xúc với những dự án lấy danh nghĩa BOT để thu tiền bất hợp lý.

Liên quan đến những dự án giao thông BOT gây xôn xao dư luận gần đây, ĐBQH, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, người dân không bức xúc với những dự án giao thông BOT mà họ bức xúc với những dự án lấy danh nghĩa BOT để thu tiền bất hợp lý, theo tin tức trên báo Infonet. 

ĐBQH, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS  Hoàng Văn Cường.

“Nếu như trong bối cảnh đường giao thông không có, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư xây dựng nên cầu, đường và người dân có đường mới, cầu mới để đi thì chắc chắn họ sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền ra để mua vé. 

Trên thực tế rất nhiều dự án giao thông xây dựng mới hoàn toàn nhưng người dân vẫn đồng tình, người ta đi chẳng ai phản đối. Do đó, nói một cách chính xác về sự việc là người dân phản đối những dự án lợi dụng danh nghĩa BOT để thu tiền bất hợp lý”- ông Cường nói.

Theo ông Cường, các dự án BOT là hình thức nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng vận hành hết thời gian thu hồi vốn thì chuyển giao cho nhà nước quản lý. 

Tuy nhiên, điều mà người dân phản đối là những tuyến đường giao thông từ trước đến nay người ta đang đi lại bình thường do ngân sách nhà nước bỏ ra làm, sau đó đưa một dự án BOT vào để cải tạo thêm một chút kiểu như trải nhựa lên, mở rộng thêm một tý… nhằm tạo danh nghĩa cho việc dựng trạm BOT để thu tiền.

“Như vậy, rõ ràng một đằng người dân đang đi không mất tiền bây giờ đem chặn đường lại thu phí là điều bất hợp lý. Chưa kể những vị trí đặt trạm thu phí “độc đạo” đã tạo cho người dân vào thế không có sự lựa chọn nào khác, bắt buộc phải đi vào đường thu tiền. 

 

Còn nếu xây dựng BOT là con đường không phải con đường hàng ngày vẫn đi, hoặc có một lựa chọn khác (hệ thống trục đường không phải đóng tiền – có thể đi lại khó khăn hơn nhưng người ta không phải bỏ tiền) thì chắc chắn người dân không ý kiến”- ông Cường phân tích.

Trước đó, bên lề cuộc Tọa đàm "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển" tại Hà Nội ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đã thẳng thắn với báo giới xung quanh nhiều nghi ngờ về năng lực của cơ quan xây dựng chính sách PPP là Bộ KH&ĐT trong bối cảnh những hệ lụy của các dự án BOT giao thông đang diễn ra thường nhật, báo Dân trí đưa tin. 

Thứ trưởng Đông cho biết: "Suốt quá trình làm chính sách hợp tác công tư (PPP), Bộ KH&ĐT nói rõ BOT phải có bỏ cả ngân sách Nhà nước ra thiết kế đề án, tức là bỏ vốn Nhà nước vào một phần để chủ động tính toán chi phí đầu tư, chủ động với con số đầu vào đầu ra; đặc biệt là chủ động tính toán về lưu lượng xe vì con số lưu lượng vô cùng quan trọng trong tính toán chi phí.

Nhà nước phải bỏ tiền ra nghiên cứu tính toán các chi phí đấy, thuê các chuyên gia hàng đầu. Nếu dự án lớn bỏ chi phí ra thuê chuyên gia quốc tế họ làm mẫu cho một hai dự án. Chúng tôi chỉ mong muốn có thế thôi, làm mẫu cho 1 – 2 cung đường nó là như thế. Riêng về tư vấn dự báo lưu lượng giao thông họ phải thuê 3 đơn vị khác nhau để bảo đảm tính độc lập.

Ai có năng lực, có kinh nghiệm phải có tiền tươi thóc thật, phải có tiền thật đặt vào đấy, người đó mới được làm. Còn nếu vẫn cho DN không đủ vốn đầu tư, hoặc đi vay hoặc cho vay để đáp ứng đủ vốn thì họ phải làm mọi cách để trả lãi, lấy lãi, đó là cái dở khi thực hiện."

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Infonet, Dân trí)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo