Tin tức - Sự kiện

Các gói hỗ trợ chưa trúng đích

Từ năm 2012 đến nay, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn lớn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản vẫn không giảm. Vì sao?
Có rất nhiều nguyên nhân từ tình hình chung của nền kinh tế thế giới và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Song, có một nguyên nhân chủ quan cần được chỉ ra là, chúng ta chưa nhận thấy khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là gì, do đó các gói hỗ trợ chưa... trúng đích.
 
Các doanh nghiệp sinh ra là để sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, bán được hàng là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Khi hàng hóa dịch vụ không bán được, ắt vốn không thể quay vòng và sẽ tự tìm đến cái chết.
 
Nếu các ngành dịch vụ là những cuộc chia tay thầm lặng thì với các ngành sản xuất, hàng tồn kho là những “bóng ma” ám ảnh doanh nghiệp. Từ năm 2012 đến nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là tiêu thụ hàng hóa đã sản xuất ra. Chỉ số tồn kho hàng công nghiệp luôn ở mức cao và chỉ giảm một cách nhỏ giọt. Kết quả khảo sát được công bố gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có tới 73% phản hồi cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của doanh nghiệp; 5,7% trả lời phải ngừng hoạt động trong năm 2012 do không tìm được thị trường đầu ra!
 
Như vậy, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phải nhằm vào cái đích cơ bản là kích thích nhu cầu tiêu dùng, bao gồm cả tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho cá nhân, từ đó làm cho thị trường sôi động trở lại và các doanh nghiệp sẽ bán được hàng, giải phóng được hàng tồn kho, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới.
 
Song, thật đáng tiếc, những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang áp dụng trong thời gian qua mới đi ở “vùng ven” của cái đích cơ bản ấy.
 
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề có ý nghĩa rất lớn nhưng chỉ trong dài hạn. Trước mắt, khi các doanh nghiệp không bán được hàng và bị lỗ đến mất hết vốn thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không có ý nghĩa “giải cứu”. Không nên đưa ra một biện pháp hỗ trợ mà ngay khi ban hành đã biết chắc chắn rằng, sẽ có rất ít doanh nghiệp được hưởng lợi.
 
Hạ lãi suất tiền vay là để giảm gánh nặng về chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Song, khi doanh nghiệp đang “ngồi” trên đống hàng tồn kho, không tiếp tục sản xuất hay nhập hàng để kinh doanh và do đó, không có nhu cầu vay thì dù lãi suất tiền vay có giảm nhiều hơn nữa cũng chưa có tác động trực tiếp, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Giảm thuế giá trị gia tăng- một bộ phận cấu thành của giá bán hàng hóa- là biện pháp đúng. Song, biện pháp này lại chỉ giới hạn trong một số sản phẩm, hàng hóa. Do đó, tác động lan tỏa của chính sách quá thấp.
 
Năm 2013 đã đi qua gần một nửa. Các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn và những khó khăn đã nêu từ đầu năm 2012 vẫn còn đó. Vì vậy, rất cần thay đổi từ quan điểm và thực hiện các biện pháp hỗ trợ trúng đích hơn. Cụ thể, thay vì việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, cần giảm 50% hoặc 100% thuế giá trị gia tăng với toàn bộ hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong một thời gian nhất định, có thể là 6 tháng cuối năm năm 2013. Giảm thuế giá trị gia tăng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, kích thích nhu cầu tiêu dùng. Từ đó, hàng tồn kho- “bóng ma ám ảnh doanh nghiệp”- sẽ dần biến mất, doanh nghiệp sẽ hồi sinh. Điều đó đồng nghĩa với tình trạng suy thoái của nền kinh tế sẽ được khắc phục, lao động thất nghiệp giảm đi và thu ngân sách sẽ tăng lên.
 
 
 
 
Công Duy
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo