Các ngân hàng phải báo cáo nợ xấu cho NHNN trước ngày 28/4
Theo đó, để đảm bảo tỉ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% tổng dư nợ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; kiểm soát, bảo đảm duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức quy định.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác.
Trước đó, Thống đốc NHNN cũng đã có Quyết định số 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của VAMC, thay cho mua theo giá trị sổ sách mà VAMC vẫn thực hiện lâu nay. Quyết định này quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường, cũng như nguyên tắc xác định giá mua nợ, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua…
Theo đánh giá của Ngân hàng HSBC, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã được cải thiện, từ xấp xỉ 5% trong tháng 9/2012 xuống 2,5% trong tháng 12/2015. Nhưng điều này chủ yếu đạt được nhờ chuyển các khoản cho vay từ các ngân hàng sang Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Từ khi ra đời vào năm 2013 cho đến cuối năm 2015, VAMC đã thu mua 11 tỷ đô la Mỹ nợ xấu. Nhưng vào cuối năm ngoái, VAMC chỉ thu hồi được 9% nợ xấu mà đơn vị này đang nắm giữ.
Như vậy, quá trình xử lý nợ xấu tốn nhiều thời gian, khiến các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro tín dụng. Điều này cam đoan một cách tiếp cận thận trọng với các khoản cho vay mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo