Tin tức - Sự kiện

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán ý nghĩa và đẹp mắt

(DNVN) - Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết mang một ý nghĩa chung sâu sắc là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Dưới đây là cách trình bày mâm ngũ quả đẹp, ý nghĩa nhất.

Mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa bao trùm là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên.

Mâm ngũ quả cúng ngày Tết cũng là yếu tố thể hiện thành quả làm việc của một năm. Ngoài ra, tùy ở những góc độ mâm ngũ quả còn có các ý nghĩa khác.

Mâm ngũ quả truyền thống với 5 loại quả, số quả lẻ thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển.

Ngày nay để thể hiện lòng hiếu thảo đến ông bà, tổ tiên cộng với tính thẩm mỹ nên người ta không quá cứng nhắc trong chuyện phải là 5 loại quả nữa nhưng ở miền Bắc người ta vẫn chọn số quả lẻ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết. Ngược lại, miền Trung và miền Nam thoải mái hơn khi không quan trọng chuyện chọn số quả lẻ hay chẵn mà chủ yếu chọn ý nghĩa của loại quả khi bày mâm ngũ quả ngày Tết.

Tuy nhiên, ở nước ta, nếu như ở miền Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày lên bàn thờ, kể cả quả ớt mang vị cay đắng, miễn sao mâm ngũ quả trông đẹp mắt là được; thì người miền Nam lại có sự kiêng cữ.

Cách trình bày mâm ngũ quả miền Bắc:

Chuẩn bị: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.

Trình bày: Cách trình bày truyền thống sẽ là nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt, đào bày đan xen vào nhau.

Người miền Bắc chú trọng vào màu sắc của quả trong mâm ngũ quả vừa để đảm bảo yếu tố ngũ hành đồng thời cũng quan niệm ngũ quả thể hiện cho 5 điều mong ước cơ bản của con người mỗi khi năm mới sang. Năm điều mong ước đó là: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc. Ảnh minh họa
Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc. Ảnh minh họa

Cách trình bày mâm ngũ quả miền Nam

Chuẩn bị: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.

Trình bày: Người ta thường chọn ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp.

Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Tuy nhiên, trong mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu.”

 

Cách bày mâm ngũ quả miền Nam. Ảnh minh họa
Cách bày mâm ngũ quả miền Nam. Ảnh minh họa

Cách bày mâm ngũ quả miền Trung

Đối với người miền Trung, do nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.

Nên đọc
An Nhi (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo