Cái bắt tay nội bộ ở Bộ CôngThương
Thực hiên chủ trương này, các bên cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh do các bên sản xuất được; đồng thời tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, phù hợp với năng lực của từng bên, với quy định pháp luật hiện hành và định hướng phát triển chung của mỗi doanh nghiệp.
Theo đó người đại diện vốn tại các Công ty Cổ phần thuộc Tập đoàn chủ động đàm phán mua bán hàng hóa, vật tư, nguyên liệu và các mặt hàng khác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam… Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản đôn đốc các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện, đồng thời cập nhật các văn bản chỉ đạo của Bộ liên quan đến việc triển khai thực hiện Thoả thuận trên trang Thông tin đấu thầu của Tập đoàn…
Cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty đã triển khai Thỏa thuận trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau thông qua nhiều hợp đồng ký kết mua bán hàng hóa như thép xây dựng, thép chống lò, xăng dầu, khí hóa lỏng, than, săm lốp ô tô, phân bón, hóa chất, rượu bia, giấy in, quần áo bảo hộ, điện… Đến nay, có rất nhiều hợp đồng giá trị cao đã được ký kết giữa các tập đoàn, tổng công ty như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ký các hợp đồng mua các sản phẩm dầu DO, dầu FO, hóa chất, đồng phục khối sản xuất, áo mưa quảng cáo, nhãn bia... của các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị thành viên với giá trị lên tới gần 356 tỷ đồng. Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam ký hợp đồng mua các sản phẩm dầu DO, FO đã sử dụng của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam có giá trị gần 14,8 tỷ đồng...
Được sự chỉ đạo sát sao của các tập đoàn, tổng công ty về việc thực hiện Thỏa thuận, các đơn vị thành viên cũng ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng cung cấp và sử dụng nhiều sản phẩm của nhau: Công ty Cổ phần Bột giặt LIX (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đã ký hợp đồng mua bán với Công ty TNHH một thành viên Thương mại Thời trang Dệt may Việt Nam (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) về phân phối cho toàn bộ hệ thống siêu thị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam các sản phẩm bột giặt, nước rửa chén... của công ty; Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên DAP-Vinachem (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đã ký hợp đồng may trang phục bảo hộ lao động và đồng phục với Công ty Cổ phần May Đức Giang (Tập đoàn Dệt may Việt Nam)…
Nhìn chung sau hai năm triển khai, bước đầu thực hiện Thỏa thuận chung đã đạt một số kết quả như: nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu). Kết quả nổi bật như tiêu thụ mặt hàng quần áo bảo hộ lao động có giá trị khoảng 57 tỷ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỷ đồng, máy thiết bị điện 4.164 tỷ đồng, thép xây dựng 5.200 tỷ đồng... Tình hình thực hiện các Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương về ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa một số tập đoàn, tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ cũng có nhiều kết quả đáng ghi nhận
Việc thực hiện Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty cũng góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; và tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ.
Bên cạnh những thành công đạt được, tại hội nghị tổng kết Các tập đoàn, tổng công ty cũng đưa ra nhiều vướng mắc khi ưu tiên sử dụng hàng hóa lẫn nhau nói riêng và sử dụng hàng Việt nói chung do các quy định của pháp luật về đấu thầu, khiến các đơn vị thành viên tập đoàn, tổng công ty không được tham gia đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị. Đồng thời, việc thu xếp nguồn vốn trong nước khó khăn, nguồn vốn nhà nước hạn hẹp nên một số doanh nghiệp phải vay phần lớn ở nước ngoài, dẫn đến một số trường hợp các tổ chức cho vay yêu cầu nhà thầu hoặc thiết bị hàng hoá phải cung cấp từ nước ngoài.
Hàng hóa được sản xuất trong nước vẫn chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa đảm bảo nên chưa cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập. Đồng thời trong khâu cung ứng đòi hỏi hàng hóa số lượng, chất lượng đảm bảo thống nhất, tiến độ giao hàng cũng là vướng mắc ở một số ở doanh nghiệp. Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty cần các loại hàng hoá đặc chủng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhưng trong nước chưa sản xuất được, khiến phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tập đoàn, tổng công ty có tính chất nêu chủ trương, động viên, kêu gọi nhưng không có các tiêu chí cụ thể về mức độ ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, dẫn đến việc triển khai thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau chưa cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo