Tin tức - Sự kiện

Cải cách hành chính cũng vướng lợi ích nhóm

"Việc cải cách này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số không ít người đang thực thi công vụ, thực thi các thủ tục hành chính. Do đó, có thể xuất hiện những sự chống đối, cản trở quá trình cải cách".

TS Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã thẳng thắn nhận định về công cuộc cải cách hành chính tại buổi hội thảo “giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư” do VCCI và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, tổ chức ngày 20/8.

Theo ông Cung, hệ thống thủ tục hành chính hiện nay dù đã được “cải cách” khá nhiều nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên, phần lớn những người trực tiếp tham gia cải cách thủ tục hành chính vẫn chỉ mang tính hình thức, hô hào, đặc biệt là khái niệm “đột phá” được sử dụng quá nhiều.

“Muốn đột phá thì các nhà chuyên môn phải nói được với lãnh đạo cấp trên thế nào là đột phá, phải có thay đổi về chất, cái sau phải khác biệt cái trước, và đặc biệt là phải cảm nhận và đo lường được chứ”, ông Cung nói.

Theo TS Cung, trong cải cách thủ tục hành chính, không phải lúc nào và ở đâu mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều có thể được hưởng lợi.

Trên bình diện chung, khi cải cách thủ tục hành chính thì phần lớn doanh nghiệp, người dân sẽ có lợi, song chính việc cải cách này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số không ít người đang thực thi công vụ, thực thi các thủ tục hành chính. Do đó, có thể xuất hiện những sự chống đối, cản trở quá trình cải cách.

“Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hiện nay, tôi hy vọng có được một kết quả nào đó có thể nhìn thấy được, chứ không hy vọng có đột phá”, ông Cung nói.

Ý kiến của TS Cung đưa ra khiến người ta giật mình nhớ lại Đề án tái cấu trúc đã được Chính phủ thông qua trước đó.

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, dù Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu vì sự cản trở của lợi ích nhóm thể hiện rõ. Thế nhưng trong Đề án lại không thể hiện sự mạnh mẽ, quyết tâm "cắt bỏ" phần "ung nhọt".

"Chỉ có thể giải quyết được bằng cách cắn răng lại mà chịu đựng thì mới tái cơ cấu được. Cái gì cần bỏ đi thì bỏ đi. Cái gì cần quyết tâm làm mới thì làm mới", TS Hồ nhấn mạnh.

Hay nói như TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Á thì cứ nói tái cấu trúc, kể cả bên chính phủ hay bất cứ khu vực nào cũng vậy. Một người đứng đầu đơn vị đã làm rồi, thất bại sắp xếp lại thì thiếu khách quan hơn. Để tự làm mấy ai tự kể xấu hay vạch tội mình ra.

Nghĩ như vậy để soi lại, vì sao TS Nguyễn Đình Cung nói cải cách thủ tục hành chính khó mà đột phá.

Và điều này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia từng nhận định: "Chúng ta đang nỗ lực cải cách hành chính nhưng kết quả của 10 năm qua coi như thất bại và công cuộc đào tạo, cải cách chất lượng công chức đang bị lệch mục tiêu".

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo