Tin tức - Sự kiện

Cái giá làm bác sĩ mà muốn giàu có

Nhiều người nhìn thấy thu nhập “khủng” của một số bác sĩ và nghĩ họ giàu. Nhưng ít người hiểu rằng họ đang còng lưng làm việc, chẳng có cơ hội nhận ra đang làm nô lệ cho những nhu cầu của chính mình.

Nhiều người nhầm lẫn giữa việc giàu có và nhiều tiền.

Tôi đã từng gặp một bác sĩ Hà Nội có phòng siêu âm thai ở nhà. Một ngày ông ta có thể thu đến hàng chục triệu đồng, bệnh nhân rất đông, "đuổi về" không hết. Nhưng thú thực, tôi thấy thương hại ông ta nhiều hơn.
 
Nhiều người nhìn thấy thu nhập “khủng” của một số bác sĩ và nghĩ họ giàu. Thu nhập lớn thì tiêu xài lớn. Họ có nhà lầu, xe hơi và có những thú vui xa xỉ . Nhưng cũng ít người hiểu rằng họ đang phải còng lưng ra làm việc, chẳng có cơ hội nhận ra đang làm nô lệ cho những nhu cầu của chính mình. Chẳng có người giàu nào lại phải làm việc quần quật vì đồng tiền cả.
 
Ảnh minh họa: Bình Minh
 
Có thể bạn đã gặp những bác sĩ X,Y, Z… nào đó có thu nhập “khủng”. Nhưng chắc bạn cũng không kịp hình dung ra những gì ông ta phải trải qua để có được thu nhập ấy. Những ngày liên tiếp làm việc quần quật tại bệnh viện công rồi tranh thủ tối về nhà khám bệnh nhân đến 9-10 giờ, và không có thứ 7, chủ nhật. Liệu những nhà lầu, xe hơi có đủ đổi lại những khoảng thời gian lẽ ra phải dành cho gia đình, con cái, và tìm hiểu những niềm vui khác của cuộc sống?
 
Nếu được chọn, liệu bạn có sẵn sàng đánh đổi để có được cuộc sống như một số ít bác sĩ có thu nhập cao như vậy? Nhưng đó lại là con đường an toàn nhất để có nhiều tiền của bác sĩ.
 
Một số bác sĩ cũng đầy quyết tâm thay đổi số phận tiền bạc của mình. Họ làm việc và chắt chiu từ thu nhập của mình để cuối đời cũng có một số tiền kha khá. Khi nghỉ hưu họ nghĩ đến việc làm ăn lớn hơn. Họ đầu tư máy móc và thuê mướn nhân viên làm việc. Nhưng rồi những đồng tiền tiết kiệm của họ cứ đội nón ra đi. Rồi khi thất bại họ cay đắng nhận ra rằng, việc thuê mướn người làm ăn đòi hỏi họ phải có những kỹ năng khác hẳn những điều họ đã được học để trở thành một bác sĩ tốt.
 
Số khác bắt đầu sớm hơn, vay mượn tiền của bạn bè, gia đình để làm ăn ngay từ còn trẻ, đơn giản chỉ là mở một phòng khám rồi thuê nhân viên làm phụ mình. Nhưng thành thật mà nói, họ có thể là bác sĩ rất giỏi nhưng lại rất thiếu kiến thức về làm ăn kinh tế. Sau một thời gian, họ nhận thấy rằng chi phí cho cho nhân viên, cho máy móc đang nuốt chửng thu nhập của mình.
 
Để thoát khỏi tình trạng đó, họ sẵn sàng làm mọi việc, kể cả những việc không được luật pháp cho phép, để kiếm được tiền bù lỗ. Và như thế những anh bác sĩ “làm liều” như Cát Tường xuất hiện…
 
Đừng ngồi kêu lương thấp
 
Có bao giờ bạn đặt câu hỏi mình thực sự yêu quý nghề y, hay chỉ yêu những phần thưởng mà nghề có thể đem lại? Và nếu yêu nghề y thì đâu là con đường để bạn thoải mái về tài chính và thanh thản về tâm hồn chứ không chỉ trông chờ vào sự thay đổi chính sách? Chính sách với ngành y nhiều năm nay đã thấy như thế rồi. Và 5 năm, 10 năm, hay mãi mãi nó sẽ vẫn như thế. Bạn chỉ có thể thay đổi ở chính bạn.
 
Hãy đưa ngành y về đúng với giá trị của nó. Đừng nghe người ta tâng bốc lên tận mây xanh rồi ngồi mà ảo tưởng đòi quyền lợi.
 
Ở các mức độ khác nhau, tất cả chúng ta đều là những người đi làm thuê. Kể cả việc bạn là bác sĩ. Nếu không muốn làm thuê cho nhà nước, thì bạn hãy làm thuê cho tư nhân, nếu không nữa thì bạn hãy là người làm thuê cho chính bệnh nhân của mình.
 
Tôi cũng từng được nghe thế này, “người chủ không có trách nhiệm làm cho bạn giàu lên, cũng không có trách nhiệm lo cho bạn có cuộc sống đầy đủ. Họ chỉ trả lương theo hợp đồng đã ký, miễn sao nó đủ để cho bạn không bỏ việc”. Vì thế đừng tưởng bạn làm nghề y - “nghề cao quý” mà nhà quản lý phải có trách nhiệm làm cho cuộc sống của bạn sung sướng.
 
Cho nên, mọi thứ đều đang vận động đúng quy luật của nó đấy. Thay vì ngồi kêu lương thấp và đòi cơ chế thay đổi, hãy đứng lên và thay đổi chính suy nghĩ của mình. 
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo