Tin tức - Sự kiện

Cấm nuôi "tằm lai nhện" ở Việt Nam, vì sao?

Tơ nhện bền hơn hẳn tơ tằm, có thể làm áo chống đạn, chế tạo xe hơi... vì vậy tằm biến đổi gien - tằm lai nhện được hy vọng sẽ tạo ra sự vợt trội này, song Việt Nam chưa cho phép bởi một số lý do

Ngày 26/12, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lâm Đồng cho biết: Bộ NN-PTNT vừa có ý kiến chính thức về đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Công văn số 53/UBND-NN ngày 17/11/2014 gửi Bộ NN-PTNT trong việc đề nghị cho phép Lâm Đồng hợp tác với một tập đoàn kinh tế nước ngoài tiến hành việc nuôi tằm biến đổi gen - tằm lai nhện. Theo Công văn số 10246/BNN-CN của Bộ NN-PTNT thì Lâm Đồng tạm thời chưa triển khai dự án tằm lai nhện với lý do chúng ta chưa đủ năng lực để quản lý vật nuôi thuộc giống lạ mang tính biến đổi gen “tằm lai nhện” này. 

 

Kết quả của một nghiên cứu mới

 

Theo văn bản đề nghị của tỉnh Lâm Đồng, nuôi tằm lai nhện là một lĩnh vực hoàn toàn mới trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, và dĩ nhiên là cả đối với tỉnh Lâm Đồng - một trong những địa phương trọng điểm của nghề trồng dâu nuôi tằm. Cũng theo văn bản này, mới đây, Tập đoàn Kraig Biocraft Laboratores (KBL) đã đặt vấn đề hợp tác với Lâm Đồng tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi tằm lai nhện để lấy tơ và đã được Lâm Đồng đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, với công văn trả lời của Bộ NN-PTNT, chương trình này có thể bị dừng lại. 

 

Công văn của Bộ NN-PTNT cho biết: “Việc quản lý động vật biến đổi gen và sinh vật biến đổi gen là lĩnh vực mới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với động vật biến đổi gen, rất ít chính sách trên thế giới áp dụng cho việc khảo nghiệm đánh giá ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học, phần lớn do khó quản lý rủi ro. Hiện ở Việt Nam chưa có khung pháp lý và không đủ năng lực quản lý đối với lĩnh vực mới này”. Do đó, trong văn bản trả lời đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Lâm Đồng tạm thời chưa triển khai việc phối hợp với Tập đoàn KBL thực hiện dự án nuôi tằm biến đổi gen đến khi Việt Nam có khung pháp lý trên lĩnh vực này.

 

Điều đáng lưu ý, trong công văn trả lời tỉnh Lâm Đồng, Bộ NN-PTNT chỉ nêu lý do là do Việt Nam chưa có khung pháp lý trên lĩnh vực hoàn toàn mới này nên phải tạm thời chưa triển khai chứ không phủ nhận việc nuôi tằm lai nhện cùng với những lợi ích của nó.

 

Theo tài liệu chuyên môn của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, việc cho tơ không chỉ riêng con tằm mới “làm” được mà một số động vật khác, trong đó có nhện, cũng cho tơ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ lấy con vật nuôi hầu như duy nhất là tằm để sản xuất tơ chứ không có con vật nào khác có thể “cạnh tranh” với tằm. Song, gần đây, một nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới cho thấy, nhện cũng là động vật cho tơ như tằm và tơ nhện là một loại vật liệu hết sức đặc biệt: Có độ bền cơ học vượt trội so với tơ tằm, được sử dụng trong công nghệ quân sự (làm áo chống đạn), trong công nghệ chế tạo xe hơi...

 

Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, mặc dầu có một vài ưu điểm vượt trội so với tơ tằm nhưng tơ nhện vẫn không được lựa chọn trong đời sống hằng ngày bởi những hạn chế: Chiều dài của sợi tơ nhện thường quá ngắn (chỉ khoảng 20 - 30cm so với sợi tơ tằm bình quân 1.000m); để có được sợi tơ nhện, cần một “công nghệ” tách tơ đặc biệt và hầu như phải làm theo cách thủ công; và cuối cùng là, việc nuôi nhện để lấy tơ vô cùng khó, hoàn toàn không giống như nuôi tằm, tức là không thể nuôi thành “bầy đàn” như tằm, và loại nhện làm ra tơ tốt nhất lại là loại nhện ăn thịt nên càng khó nuôi.

 

Nuôi tằm truyền thống ở Lâm Đồng

 

Sự cẩn trọng cần thiết?

 

Trên cơ sở nghiên cứu hai loài vật cùng nhả tơ, gần đây, một số nhà khoa học của Đại học Wyoming (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu mới và đã thành công: Cấy một chuỗi gen của nhện vào tằm và những con tằm được cấy gen nhện đã cho ra một loại tơ có độ co giãn và dai bền gần như tơ nhện nhưng có độ dài tương đương với độ dài tơ tằm. 

 

Nói cách khác, với con tằm thông thường, các nhà khoa học có thể làm cho nó biến đổi gen để nó có thể cho ra tơ tổng hợp chứa các chất protein như tơ nhện và loại tơ này có các đặc tính vượt trội so với tơ tằm thông thường. Với kết quả này, các nhà khoa học đặt kỳ vọng là trong tương lai, thế giới hoàn toàn đủ khả năng sản xuất ra một loại tơ hoàn toàn mới bằng con tằm biến đổi gen với số lượng lớn nhằm sản xuất những loại vải siêu bền, thậm chí sản xuất cả áo chống đạn...

 

Cũng theo các nhà khoa học, sản phẩm tơ từ tằm biến đổi gen còn được ứng dụng trong lĩnh vực y tế (băng vết thương, khung mô nhân tạo, gân nhân tạo, dây chằng, phẫu thuật thẩm mỹ...) và trong nhiều lĩnh vực khác. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Wyoming (Mỹ), Tập đoàn KBL đã đến Việt Nam và chọn Lâm Đồng để triển khai dự án nuôi tằm lai nhện. Lý do mà KBL chọn Lâm Đồng là vì địa phương này được xem là “thủ phủ” dâu tằm của cả nước, nhà nông ở địa phương này có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng dâu nuôi tằm, đồng thời đây là địa phương đang đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 

Song, nói như một lãnh đạo của Sở NN-PTNT Lâm Đồng trước văn bản đề nghị tạm thời chưa triển khai dự án giữa Lâm Đồng với Tập đoàn KBL nuôi tằm lai nhện rằng: “Vẫn biết đây rất có thể là bước đột phá mới trong nông nghiệp, đặc biệt là trên lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm, nhưng luật là luật; vì Việt Nam chưa có khung pháp lý trên lĩnh vực hoàn toàn mới này nên buộc chúng ta phải tuân thủ, có nghĩa là tạm thời chưa thể triển khai dự án”.

 

Trước quyết định này của Bộ NN-PTNT, dư luận cũng đặt ra vấn đề: Liệu như thế là chúng ta đã bỏ qua một cơ hội trong phát triển nông nghiệp, cụ thể là phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm? Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự cẩn trọng của Bộ NN-PTNT như thế là cần thiết bởi trong việc biến đổi gen hiện vẫn còn hai luồng ý kiến trái ngược nhau!

Khắc Dũng/baolamdong.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo