Tin tức - Sự kiện

Cần 300 tỷ để mở trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài

Kể từ ngày 15/11/2012, các nhà đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục tại Việt Nam phải đảm bảo suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên và tổng mức đầu tư tối thiểu là 300 tỷ đồng.

 

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, những khoảng trống pháp lý về thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài các cấp, thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam cũng như tổ chức liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài đã được phủ kín.

 

“Trước đây, các nội dung này chỉ được quy định tại Thông tư liên tịch số 14 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 06/2000/NĐ-CP ngày 6/3/2000 về hợp tác, đầu tư với nước ngoài, với điều kiện ràng buộc các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo chỉ là suất đầu tư”, bà Huyền cho biết.

 

Như vậy, việc bổ sung điều kiện về vốn đầu tư tối thiểu bên cạnh điều kiện về suất đầu tư, các cơ sở đào tạo đại học quy mô nhỏ sẽ không đủ điều kiện thành lập.

 

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, các quy định, điều kiện về thủ tục mở phân hiệu của cơ sở giáo dục được đưa ra. Trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, do không có quy định rõ, các nhà đầu tư nước ngoài thường lách luật bằng cách mở chi nhánh. Theo quy định mới, điều kiện về vốn để được mở phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài rất chặt chẽ, tương tự như việc thành lập mới.

 

Bà Huyền cho biết thêm, quy định mới sẽ được áp dụng ngay với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề đã nộp hồ sơ, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước ngày Nghị định có hiệu lực. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ phải bổ sung, hoàn tất các điều kiện theo quy định mới để được xem xét.

 

Thực tế, thời gian qua, dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, như việc năm 2011, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn ILA Việt Nam và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dạy nghề đào tạo quốc tế Raffles Việt Nam bị xử phạt vì cố ý đào tạo trái phép vượt quá phạm vi đào tạo đã được cấp phép.

 

Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục – Đào tạo) đã khuyến cáo rằng, người học cần tìm hiểu kỹ chương trình dự kiến theo học, như chương trình liên kết hoặc các cơ sở đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép như thế nào, ai cấp phép, đối tác thế nào…, song trên thực tế, những thông tin của Cục không thể giúp học viên có quyết định đúng đắn, bởi chương trình đào tạo còn do nhiều bộ, ngành khác cấp phép trong liên kết đào tạo.

 

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, thời gian vừa qua, hoạt động liên kết đào tạo tại Việt Nam phát triển rất nhanh và khâu quản lý không theo kịp.

 

Để giải quyết những bất cập trong khâu quản lý, Nghị định số 73/2012/NĐ-CP đã quy định thời hạn liên kết đào tạo thời hạn là 5 năm, điều kiện gia hạn, hồ sơ gia hạn, quy trình thủ tục gia hạn. Bà Huyền cho rằng, việc đặt thời hạn hoạt động của chương trình liên kết đào tạo không quá 5 năm, sau 5 năm chương trình có thể được gia hạn.

 

Bên liên kết phải có trách nhiệm báo cáo thực hiện các nội dung liên quan tới quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn đề án liên kết đào tạo, công tác giảng dạy, học tập của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, số lượng tuyển sinh, số lượng tốt nghiệp, tỷ lệ tốt nghiệp, văn bằng được cấp, báo cáo tài chính... Đó sẽ là căn cứ giúp các cơ quan quản lý cập nhật tình hình thực hiện liên kết, bên cạnh việc kiểm tra định kỳ.

 

 Theo Đầu Tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo