Cần 872 giờ để doanh nghiệp nộp thuế trong một năm là “quá tệ”
Nơi kém nhất có lẽ là 300 giờ thôi, mà Việt Nam cần đến 872 giờ để một doanh nghiệp nộp thuế trong một năm thì tệ quá, chuyên gia quốc tế của USAID, ông Olin McGill nói tại hội thảo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ngày 21/7.
Đây là vị chuyên gia được mời đến chia sẻ phương pháp tính, kết quả và hướng nâng hạng sau khi Việt Nam bị xếp thứ 99 trong báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong lời khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cải cách môi trường kinh doanh là trọng tâm cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam.
Vào tháng 3 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mục tiêu của Nghị quyết 19 rất minh bạch, cụ thể, nếu làm tốt thì có thể tạo được đột phá nho nhỏ nhưng có tác động không nhỏ với nền kinh tế, ông Cung nói.
Kế hoạch hành động phải thực sự cụ thể và thực tế cũng là điều được ông Olin McGill nhắc đến ngay phần đầu bài trình bày.
Nhấn mạnh tầm quan trọng có tính xuyên suốt của chỉ số thương mại qua biên giới, vị chuyên gia quốc tế cho hay rằng Việt Nam đang yêu cầu tới 5 loại chứng từ để xuất khẩu hàng hóa trong khi nhiều nước xếp hạng cao chỉ yêu cầu hai loại.
So sánh với các nước trong khu vực thì thời gian cần để hoàn thành thủ tục xuất khẩu của Việt Nam cũng quá cao, tới 21 ngày, trong khi Indonesia chỉ cần 17 ngày, Malaysia 11 ngày, Thái Lan 14 ngày…
Khẳng định Việt Nam đã bị thất thu do thương mại kém hiệu quả, ông Olin McGill nêu con số thất thu cụ thể từ nhập khẩu là trên 19 tỉ USD và từ xuất khẩu là trên 17 tỉ USD. Đây là con số không hề nhỏ nếu so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.
Với xếp loại thứ 157 trong 189 nền kinh tế, chỉ số bảo vệ các nhà đầu tư, theo đánh giá của vị chuyên gia USAID là không tốt lắm. Đây là chỉ số đáng chú ý vì nó có liên quan đến luật pháp, thay đổi luật thì nó sẽ hoàn thiện, ông Olin McGill phân tích.
Không còn ở mức không tốt mà đã quá tệ, đó là thời gian nộp thuế lên tới 872 giờ/năm. Việc giảm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp còn 171 giờ/năm theo chủ trương của Chính phủ được Viện trưởng Cung nhìn nhận là một nhiệm vụ không dễ dàng.
Tuy nhiên, ông Olin McGill cũng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể giảm được. Bởi chỉ cần áp dụng công nghệ thông tin thì đã có thể giảm số lần phải nộp bảo hiểm xã hội, thuế VAT từ 12 lần/năm xuống 1 lần.
Một chỉ số khác, theo ông Olin McGill thì Việt Nam đáng lẽ có thể đạt cao hơn, đó là thu nhập bình quân đầu người.
Với quy luật các quốc gia càng có thứ hạng cao trong báo cáo Doing Business của WB thì càng có thu nhập cao, ông Olin McGill thống kê thu nhập bình quân đầu người của 30 nước xếp hạng cao nhất năm 2014 trên 35.000 USD/người/năm, thứ hạng từ 31-60 đạt mức thu nhập 20.000 USD/người/năm.
Ở vị trí thứ 99, Việt Nam có thể đã có được mức thu nhập bình quân đầu người 7000 USD/người/năm. Nhưng thực tế không phải vậy, bình quân thu nhập đầu người tại Việt Nam mới đạt 1400 USD/năm, chuyên gia quốc tế tiếp tục phân tích.
Chia sẻ bài học từ một số quốc gia được coi là thành công trong “lựa chọn sự thịnh vượng”, Olin McGill nhấn mạnh rằng ông rất ấn tượng với quy tắc đầu tiên của Lejava - cựu Cố vấn trưởng của Thủ tướng Georgia, rằng Chính phủ không bao giờ nên hỏi một công dân hoặc doanh nghiệp về thông tin họ đã có.
Vị cựu cố vấn này cũng cho rằng để loại bỏ cơ hội tham nhũng thì cần tự động hóa và hợp lý hóa tất cả mọi thứ vì mỗi tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp đều là một cơ hội tham nhũng.
Georgia có thể làm dược, vậy tại sao Việt Nam không làm được, đó là câu hỏi lớn bởi Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế so với Georgia, ông nói.
Sau câu hỏi này, chuyên gia Olin McGill cũng nêu một số kinh nghiệm được đúc kết từ Georgia, trong đó có bài học “sửa chữa những gì chúng ta có thể làm ngày hôm nay và mỗi ngày”.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo