Cán bộ thanh tra giàu có thể do gia đình kinh doanh?
Tại cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ sáng nay, ông Trần Đức Lượng – Phó Tổng TTCP lý giải, nhiều cán bộ có tài sản lớn vì có thể họ làm thanh tra nhưng vợ hoặc con làm kinh doanh.
Không cần làm rõ nguồn gốc tài sản?
Nói về thu nhập của cán bộ thanh tra, ông Lượng cho biết, thanh tra viên cũng là công chức được hưởng lương theo quy định, ngoài ra còn có phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề. Những đồng chí làm công tác tiếp dân thì còn thêm bồi dưỡng để tiếp công dân, đi công tác thì có chi phí chi tiêu nội bộ. Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra còn có một nguồn nữa, đó là nguồn trích để lại qua việc phát hiện, thu hồi và thu hồi về ngân sách nhà nước. Quỹ này dùng để mua sắm, sửa dụng trong hoạt động của ngành thanh tra.
Ông Lượng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng không có khó gì việc giải trình, bởi vì nguồn gốc tài sản của nhiều người, của nhiều cán bộ công chức, của nhiều người dân không chỉ bằng thu nhập của chính người đó mà còn là của các thành viên trong gia đình. Thí dụ, bố làm thanh tra nhưng mẹ kinh doanh, bố làm thanh tra nhưng con kinh doanh. Chỗ đó chúng ta hoàn toàn dễ hiểu thôi. Cho nên chúng ta không gắn thu nhập cụ thể của một người cụ thể với khối tài sản phải kê khai, bởi theo quy định của pháp luật thì việc kê khai tài sản của mình, của vợ, của con. Vì thế chỗ này chúng ta phải rõ ràng, mạch lạc”.
Đề cập tới khối tài sản của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng, khẳng định: “Nếu nói tới tài sản của hai đồng chí này là không minh bạch thì chúng tôi không thấy chỗ nào là không minh bạch cả. Thanh tra Chính phủ đã làm rồi, đã kết luận rồi, tài sản thực tế và tài sản kê khai là khớp đúng, như vậy là kê khai đầy đủ, nên không thể nói là không minh bạch.
Thậm chí còn phải kê khai hàng năm, những người trong diện kê khai là phải kê khai, và cơ quan phải xem xét để đánh giá cán bộ. Cho đến nay, chúng tôi chưa có thông tin nào về việc kê khai hàng năm sai lệch. Kê khai theo đúng quy định của pháp luật là tài sản của mình, của vợ và con. Kết luận đã nói rõ là các đồng chí kê khai theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lượng cũng lý giải chuyện không làm rõ nguồn gốc tài sản: “Pháp luật không quy định làm rõ nguồn gốc tài sản trước khi Luật PCTN 2012 có hiệu lực. Khi luật có hiệu lực thì chỉ yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thôi, phải hiểu theo quy định của pháp luật”.
Miễn nhiệm 3 cán bộ các vụ
Liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ cấp vụ, phòng năm 2011, ông Lượng cho biết do đặc thù của công tác thanh tra, nhiều cán bộ có năng lực kinh nghiệm nhưng tuổi quá quy định. Năm 2011, TTCP có quy chế về bổ nhiệm hàm cấp vụ, trên cơ sở đó thì 8 tháng đầu năm 2011, TTCP có bổ nhiệm 23 đồng chí có hàm cấp vụ, đáp ứng chính sách với những người đã có quá trình công tác. Hơn nữa đối tượng thanh tra là bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, xác lập địa vị pháp lý thì phải tạo điều kiện cho những người đó làm việc tốt hơn; cộng với việc bổ nhiệm cán bộ nhân sự cho 3 vụ mới, (Giám sát sau thanh tra, Kế hoạch Tài chính tổng hợp, Tiếp dân và giải quyết đơn thư), nên làm con số của 8 tháng năm 2011 đội lên khác bình thường.
Ông Lượng nói: “Chúng tôi phải nhận thức thế này, so với quy định của Chính phủ thì bổ nhiệm như vậy là quá số lượng, có đơn vị có 4 vụ phó, có cục 5 cục phó quá quy định (một vụ trưởng và 3 vụ phó), có đồng chí chưa đảm bảo về thời gian công tác, có trường hợp sau khi bổ nhiệm thời gian ngắn đã vi phạm kỷ luật phải cách chức. Chúng tôi tháy mình có khuyết điểm. Chúng tôi đã xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và có phương hướng, kế hoạch để sửa chữa.
Việc sửa chữa những lỗi này được TTCP tiến hành theo cách: Bố trí cán bộ vào đơn vị mới để đáp ứng yêu cầu công việc ngay. Mặc dù có quy chế đó nhưng tập thể đã ra nghị quyết không bổ nhiệm hàm cấp vụ nữa. Các đồng chí có tuổi cơ bản đã nghỉ hưu và một số sẽ nghỉ hưu tiếp năm 2014-2015. Những trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn sẽ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu sẽ được đào tạo lại, 3 trường hợp chưa đảm bảo đã bị miễn nhiệm.
Công tác cán bộ là trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu, thuộc về lãnh đạo trước đây, là đồng chí bí thư, tổng thanh tra. Việc bổ nhiệm đều phải theo quy định về việc bổ nhiệm cán bộ. Còn việc làm của TTCP có đúng quy định không? Chúng tôi khẳng định chúng tôi làm đúng quy trình”, ông Lượng nói.
Cũng trong sáng nay, ông Lượng cho biết, TTCP nhận được đơn khiếu nại của một số hộ dân về vấn đề đền bù khi làm đường Trường Chinh.
“Đơn thư TTCP cũng nhận được nhưng ở dạng khiếu nại liên quan đến đền bù, còn đường cong hay thẳng thì không nhận được đơn nào”, ông nói.
Theo vị Phó Tổng TTCP, qua báo chí phản ánh và người có trách nhiệm có giải trình, trong nội dung làm việc với Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh có nhắc tới vụ việc đường Trường Chinh bị uốn cong.
“Thẩm quyền giải quyết việc này thuộc Hà Nội, nhưng với chức năng quản lý thì vụ việc này TTCP cũng phải quan tâm trong thời gian tới. Còn thanh tra hay không thì phải tùy theo giải quyết của Hà Nội”, ông Lượng nói.
Ông Trần Đức Lượng - Phó tổng Thanh tra Chính phủ: Kết luận những sai phạm ở VCCI đã ký và phát hành rồi, đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ rồi sẽ đăng tải công khai. Theo đó, đề xuất xem xét kỷ luật 16 người. |
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo