Xã hội

Cận cảnh nguồn xả thải "đầu độc" sông Bưởi làm cá chết

(DNVN) - Chứng kiến nguồn xả thải của Công ty mía đường Hòa Bình nhiều người không khỏi kinh hãi với nguồn nước đang đầu độc sông Bưởi làm cá chết.

Tin tức trên báo VTC News, những ngày vừa qua, người dân sống dọc sông Bưởi, đoạn chảy qua địa bàn huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)  đang gánh chịu hậu quả do tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra khiến cá chết hàng loạt.  

Ngày 8/5 nhận được thông tin công ty CP mía đường Hòa Bình (đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải không qua xử lý là nguyên nhân khiến sông Bưởi bị "đầu độc" dẫn đến cá chết hàng loạt, PV VTC News đã có mặt ở công ty để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Lượng nước thải chưa qua xử lý đổ ra sông Bưởi là nghi vấn dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt. Ảnh VTC News.

Tại khu vực bể chứa nước thải của công ty CP mía đường Hòa Bình, PV ghi nhận hàng ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý, bốc mùi hôi thối, màu vàng đục đang được tích trữ trong các bể chứa. Theo tìm hiểu, nước trong bể chứa này là nước được dùng trong việc làm mát máy và quy trình làm trắng đường của nhà máy CP mía đường Hòa Bình.

Vì hệ thống xử lý nước thải chưa được hoàn thành để đưa vào sử dụng nên hàng ngàn m3 nước thải trong các bể chứa đã được thải ra sông Bưởi theo một con mương nhỏ khuất tầm nhìn của người dân.

Mặc dù, công ty đã kịp xử lý miệng cống dẫn nước thải từ bể của công ty này ra con mương nhỏ để dẫn ra sông Bưởi, thế nhưng men theo con mương này PV phái hiện một lượng lớn nước thải vẫn còn đọng lại, có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Nước thải của công ty mía đường Hòa Bình đọng lại ở con mương dẫn ra sông Bưởi màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.   Ảnh VTC News.

Ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó giám đốc công ty mía đường Hòa Bình xác nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. “Chúng tôi đã xả nước chưa qua xử lý ra sông Bưởi với lưu lượng xả thải khoảng 300 m3/ngày đêm từ ngày 15/3 đến 25/4/2016 vừa qua, việc làm này của chúng tôi là hoàn toàn sai quy định pháp luật”, ông Trường cho hay.

Giải thích về việc làm này, ông Trường cho biết nguyên nhân là do nhà máy sản xuất mía đường đang trong quá trình chạy thử và hệ thống xử lý nguồn nước thải chưa được hoàn thiện, dẫn tới việc đã xả thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi.

 

Trong một diễn biến liên quan, sáng 9/5, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang đến từng xã của huyện Thạch Thành có cá lồng chết để kiểm tra, lấy mẫu nước. Báo Vietnamnet thông tin.

Nhiều hộ dân, gia đình nghèo khó sống nhờ vào lồng bè nuôi cá đang lâm vào cảnh khốn đốn vì cá chết. Điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Lợi (hơn 80 tuổi, Thạch Thành, Thanh Hóa) đã sống trên sông nước qua bao nhiêu thế hệ. Bảy người trong gia đình quây quần bên chiếc thuyền nhỏ. Hàng ngày chỉ có hai vợ chồng nhà anh Nguyễn Văn Do và chị Nguyễn Thị Chính (con trai bà) là lao động chính.

Cá chết làm người dân mất thu nhập. Ảnh báo Vietnamnet.

Bà Lợi bảo, bè nhà bà tính ra cũng được hơn một tấn cá. Suốt 7 năm qua, gia đình không dám bán một con. Hàng ngày hai vợ chồng anh Do đi đánh cá trên sông bán kiếm tiền trang trải trong ngày. Lồng cá là “của để dành”, dự định tháng 7 này anh chị bán đi cũng được hơn 200 triệu, sẽ mua đất làm một ngôi nhà nhỏ để bà Lợi được một lần sống trên bờ trước khi chết. Nhà anh Do có 4 người con. Con trai đầu 9 tuổi, ở nhà giúp bố mẹ, không được đi học. Đứa thứ hai 5 tuổi may mắn hơn, đầu năm nay được trường đến vận động cho đi học mầm non.

“Nhà 7 miệng ăn, 4 đứa con còn nhỏ, giờ vợ chồng tôi có muốn đi làm thuê cũng không được. Ở trên sông này nước ô nhiễm, cá chết hết, chẳng biết chúng tôi sẽ sống thế nào”, anh Do nói. Ông Bùi Minh Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, hầu hết các hộ nuôi cá lồng trên sông Bưởi đều nghèo khó.

Chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ cho mỗi gia đình có bè cá chết 2 triệu đồng và 20kg gạo, UBND xã hỗ trợ 20kg gạo, các đội tình nguyện hỗ trợ 5kg gạo, một túi xà phòng và một thùng mỳ tôm.

 

Hôm qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đi kiểm tra thực tế vùng cá chết. Ông đã chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra. Theo đó, Công an Thanh Hóa sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành tỉnh Hòa Bình điều tra, hoàn thiện hồ sơ và căn cứ các quy định pháp luật để khởi tố vụ án hình sự gây ô nhiễm sông Bưởi.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo