Cần công bố giá xăng cơ sở
Hiện nay, muốn biết chi tiết phải mất tiền.
Dừng công bố vì… giận?!
Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu có quy định công thức hình thành giá xăng dầu cơ sở. Vấn đề hiện nay là người dân không có sẵn con số chi tiết trong công thức này để xem các chi phí đó cao, thấp ra sao, DN lời, lỗ thế nào.
Trước đây, Petrolimex thường xuyên cập nhật chi tiết giá cơ sở. Chỉ tiếc là việc công khai này chỉ kéo dài một năm, từ tháng 3-2010 đến cuối tháng 3-2011.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho rằng: “Dù Nhà nước không yêu cầu nhưng Petrolimex đã tự nguyện đưa chi tiết giá lên trang web của mình để mọi người thấy sự minh bạch của DN. Thế nhưng chúng tôi rất buồn vì nhiều người lại nghi ngờ công thức đó”.
Quả thật, đã từng có nhiều ý kiến phản biện và cho rằng cần có cơ quan chức năng kiểm tra con số DN mà đưa ra xem có chính xác hay không.
Quyền được biết
TS Nguyễn Ngọc Sơn (ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM) cho rằng với mặt hàng mà người tiêu dùng phải chịu cùng một mức giá, không có giá khác để cạnh tranh, giá này lại bắt nguồn từ sự ấn định giá thì người ấn định phải có nghĩa vụ công khai giá. Công khai là cách để xã hội giám sát xem mức giá mà các anh ấn định đấy có hợp lý hay không.
“Tôi cho rằng chuyện có những ý kiến trái chiều, phản biện về các con số là chuyện thường tình. Vấn đề là chúng ta có dám công khai các con số và chấp nhận sự phản biện của những người am hiểu hay không” - ông Sơn nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Hồng Sơn (quận 12), một người quan tâm và am hiểu thị trường xăng dầu, cho biết: “Tôi theo dõi diễn biến giá xăng thế giới và cũng tự tính ra chi phí của giá xăng trong nước. Mỗi lần tính tôi đều thấy DN lãi cao. Do đó tôi không có niềm tin ở các báo cáo của DN”.
Liên bộ nên công bố
Anh Sơn cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương là cơ quan theo dõi giá xăng thì nên công bố giá cơ sở thường xuyên. Người dân sẽ tin vào con số khách quan do Bộ đưa ra hơn là DN đưa ra.
Ông Trần Ngọc Năm cho rằng không thể để 12 DN đầu mối công khai 12 kiểu giá cơ sở. “Chỉ khi nào Nhà nước giao quyền định giá cho DN thì DN mới công bố, giải thích. Còn khi nào Nhà nước vẫn ấn định giá thì Nhà nước phải có trách nhiệm công bố để người dân giám sát. Không thể làm như hiện nay, DN cũng khó mà người dân cũng bức xúc”.
Đồng tình quan điểm này, đại diện Saigon Petro cũng từng cho rằng việc liên bộ không đứng ra công khai giá cơ sở thường xuyên đã khiến cho người dân có cái nhìn “ác cảm” với DN.
Mỗi lần giá xăng tăng, giảm thì liên bộ Tài chính - Công Thương vẫn đưa ra tỉ lệ tăng, giảm của giá thế giới để chứng minh chính sách điều hành giá trong nước là hợp lý. Những lý giải của liên bộ đều xuất phát từ con số trong giá cơ sở do DN báo lên hoặc do Bộ Tài chính theo dõi hợp đồng nhập khẩu xăng do hải quan cung cấp.
Như vậy, liên bộ nên bắt đầu công khai giá cơ sở xăng dầu hằng ngày trên website của mình.
Theo Nghị định 84/2009, giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu. Giá cơ sở = (Giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt) x Tỉ giá ngoại tệ + Chi phí kinh doanh định mức + Quỹ bình ổn giá + Lợi nhuận định mức trước thuế + Thuế giá trị gia tăng + Phí xăng dầu + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác. Theo giải thích của Petrolimex khi công khai giá cơ sở thì giá cơ sở không phải là giá vốn hoặc giá thành của bất kỳ DN đầu mối nào tại thời điểm thông báo. Chênh lệch giữa giá cơ sở so với giá bán hiện hành tại mỗi thời điểm không phản ánh chính xác lỗ hoặc lãi của DN đầu mối tại đúng thời điểm đó. Muốn biết giá cơ sở: Tốn 6-12 triệu đồng/năm Website xangdau.net có bán thông tin về giá cơ sở của xăng dầu, ai muốn mua thì trả 6 triệu đồng/năm để có thông tin giá bình quân 30 ngày, con số lỗ, lãi của DN so với giá bán lẻ hiện tại. Thông tin chi tiết như giá xăng A92 thành phẩm tại Singapore, giá nhập khẩu theo ngày, dự báo giá xăng dầu trong nước, thù lao đại lý… thì trả 12 triệu đồng/năm. Giá xăng thế giới tiếp tục giảm Giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore ngày 19-6 tiếp tục giảm gần 3 USD/thùng, chỉ còn 98,86 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay. Nếu DN nhập hàng với giá này thì sau khi trừ thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn, DN có thể lời đến 2.600 đồng/lít. |
MAI PHƯƠNG
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh