Là một trong những giải pháp được nêu ra tại phiên họp của Hội đồng tư vấn Du lịch vừa diễn ra tại Hà Nội.
Phiên họp được tổ nhằm thảo luận và đóng góp ý kiến về các giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam với sự hỗ trợ của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (Dự án EU).
Tại phiên họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã giới thiệu Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ nhằm tạo bước chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch. Cụ thể như: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch và Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch.
Thay mặt Tổ công tác Xúc tiến quảng bá du lịch (Hội đồng tư vấn du lịch), ông Hawkins Pham đã đưa ra “Sáng kiến marketing chung” giữa Tổng cục Du lịch và Hội đồng tư vấn du lịch. Theo ông Hawkins Pham, trước hết cần phải thiết lập một khuôn khổ hợp tác công-tư để tăng cường các nỗ lực marketing điểm đến. Đồng thời, phải xây dựng một chiến lược trong đó sử dụng các đề xuất hiện có của Tổng cục Du lịch, Dự án EU và các thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, coi đây như một khuôn khổ để giải quyết các vấn đề trọng tâm của Sáng kiến chung.
Một chìa khóa thành công khác chính là tăng cường quan hệ đối tác thương mại cả trong và ngoài nước, tối ưu hóa các nguồn lực và cần tạo lập quỹ xúc tiến du lịch bao gồm cả cơ chế vận hành, quản lý hành chính và xây dựng các mục tiêu lâu dài.
Trình bày những kiến nghị của Tổ công tác Quản lý chất lượng dịch vụ và Nguồn nhân lực Du lịch (Hội đồng tư vấn du lịch), ông Trần Ngọc Lương - Tổ trưởng, cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng dịch vụ du lịch cần nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý của chủ đầu tư do nhiều người quản lý không có chuyên môn du lịch, chưa qua đào tạo du lịch hay huấn luyện nghiệp vụ du lịch. Ngoài ra, hệ thống công cụ quản lý chất lượng dịch vụ của Nhà nước và doanh nghiệp cũng cần được hoàn thiện.
Cũng theo ông Lương, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kĩ năng, nghiệp vụ du lịch không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời cũng cần phát triển đội ngũ thẩm định viên/đánh giá viên, đào tạo viên cho các cơ sở đào tạo nghề trên cả nước.
Kết thúc phiên họp, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn của Dự án EU đã thay mặt Dự án đưa ra các cam kết hỗ trợ của Dự án đối với Hội đồng tư vấn du lịch trong năm 2015 bao gồm việc triển khai Kế hoạch hoạt động trong năm 2015, hỗ trợ các phiên họp tiếp theo của Hội đồng./.
Hoàng Tuấn