Tin tức - Sự kiện

Cẩn thận khi nướng cá khô, mực khô bằng cồn

Cá khô, mực khô là những món quà đặc sản của nhiều người sau chuyến đi nghỉ ở biển. Tuy nhiên chính món đặc sản này đã gây nên nhiều bi kịch bởi không ít người đã bị bỏng lửa cồn do nướng mực, nướng cá.
Nạn nhân của những khay cồn nướng mực
 
 
Khuyến cáo của Viện bỏng Quốc gia: Không nên dùng cồn lỏng để nướng mực khô, cá khô. Nếu dùng cồn lỏng để nướng, hãy kiểm tra ngọn lửa thật kỹ, khi nó tắt hẳn mới tiếp thêm cồn. Dùng lọ cồn nhỏ, không dùng chai cồn hay can cồn lớn để tiếp. Trẻ em không nên đứng xem nướng mực, nướng cá bằng cồn.

Khoa bỏng BV đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) vừa điều trị cho 2 bệnh nhân bị bỏng độ 2 và 3 do nướng mực bằng cồn. Người nhà bệnh nhân kể, khi nướng mực, 2 nạn nhân tưởng cồn trong khay đã hết, lửa tắt nên đổ tiếp cồn vào làm ngọn lửa bùng lên gây phỏng.

 

Cũng dùng cồn nướng mực, một người ở Thanh Chương (Nghệ An), 27 tuổi và một người ở phố Tây Sơn (Hà Nội) 17 tuổi phải nhập viện khi vùng mặt, cổ, ngực, bụng và chân tay đỏ rộm, da tuột từng mảng. Cháu H. (10 tuổi) ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) trong lần ngồi xem mẹ lấy cồn nướng cá mực thì ngọn lửa xanh mờ bất ngờ bùng lên, chị giật mình, hoảng loạn gạt lọ cồn ra xa nhưng lại trúng ngay con gái. Lửa lan sang người cháu…

 

Tại Khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn từ đầu hè đến nay, tuần nào cũng có người bị bỏng cồn do nướng cá khô, cá mực vào cấp cứu và điều trị. Phần lớn những người bị bỏng thường đau rát chỗ bỏng, sốt do nhiễm trùng và rất khó chịu. Thời gian điều trị kéo dài và để lại di chứng, sẹo rất xấu, co rúm trên cơ thể.
 
 
Các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia cho biết, nhiều trường hợp bỏng nặng không phải là người trực tiếp nướng cá, hoặc mực khô. Phần lớn là đứng, ngồi đối diện xem nướng mực, hoặc được người nướng mực nhờ đổ thêm cồn vào khi cồn đang cháy. Bất ngờ ngọn lửa xanh bùng lên, họ hoảng hốt nhảy loạn xạ, khiến lọ cồn đổ, lửa càng lan rộng.
 
 
Điều nguy hiểm nhất là do lửa cồn màu xanh, khó nhìn thấy nên nhiều khi lửa vẫn cháy mà người nướng mực tưởng đã tắt nên đổ thêm, lửa bùng càng nhanh và mạnh bất ngờ làm họ mất bình tĩnh để xử lý. Có người thấy lửa bùng to, lại đổ nước lạnh vào càng làm đám cháy lan rộng, bệnh nhân hoảng sợ nên trượt chân ngã, cồn bén sang gây bỏng toàn bộ phần mặt, cổ, ngực, bụng và chân tay…
 
 
Biến chứng nặng khó lường
 
 
Theo Viện Bỏng Quốc gia, thời điểm này là mùa du lịch nên có nhiều người dùng cồn nướng mực. Do bất cẩn nên nhiều người đã bị bỏng nặng khi nướng mực. Bỏng cồn thường gây biến chứng nặng trên diện rộng cơ thể, đặc biệt nặng hơn ở vùng đường hô hấp.
 
 
Nạn nhân đa phần từ 10 tuổi trở lên, vào viện trong tình trạng bỏng sâu, nhiễm trùng nghiêm trọng. Những người này thường bị bỏng với diện tích từ 40 - 60% cơ thể. Để điều trị cho những nạn nhân có diện tích bỏng cồn nặng, sâu và rộng, các bác sĩ ở đây buộc phải dùng đến phương pháp ghép da tự thân hoặc ghép da đồng loại.
 
 
Theo các bác sĩ Viện Bỏng, phần lớn nạn nhân không có kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu, nên khi vào viện đều lâm vào tình trạng nguy kịch khiến cho việc cấp cứu, điều trị vô cùng khó khăn, kinh phí lớn. Nhiều nạn nhân quá nặng đã không qua khỏi vì sốc bỏng, suy hô hấp, vết bỏng nhiễm trùng gây suy gan, suy thận cấp…
 
 
 
 
Theo Đại Đoàn Kết
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo