Khám phá

Càng lên lớp cao, càng ít môn học

Theo xu hướng chung của các nước, các trường không cần phải dạy quá nhiều môn để tạo điều kiện cho học sinh phát huy tư duy, khả năng sáng tạo.


Tại cuộc hội thảo quốc tế diễn ra trong tuần qua về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục - Đào tạo - đề xuất việc dạy học tích hợp bởi đây là xu hướng tất yếu.

Thêm vào nhưng để bớt đi


Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện nhóm nghiên cứu, cho hay: “Tích hợp là một quan điểm cơ bản trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa, tổ chức nội dung dạy học của nhiều nước, đặc biệt ở bậc tiểu học và THCS”.

Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, ở tiểu học, tích hợp trong bộ môn toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Xây dựng 2 môn học mới ở lớp 4, 5, gồm khoa học và công nghệ (trên cơ sở môn khoa học và kỹ thuật trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội (trên cơ sở môn lịch sử và địa lý các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề xã hội).

Bậc THCS thêm 2 môn học mới là khoa học tự nhiên (trên cơ sở môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành) và khoa học xã hội (trên cơ sở các môn lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành và một số vấn đề xã hội).

Hai môn học này được xây dựng theo mô hình cơ bản đảm bảo tính logic hệ thống của các phân môn, nội dung chương trình các phân môn có sự hỗ trợ cho nhau và tránh trùng lắp, có những chủ đề liên kết giữa các phân môn... Học sinh bậc THPT cũng học theo hướng tích hợp và lồng ghép.

Về lộ trình triển khai, theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tích cực chuẩn bị các môn học mới, cứ sau vài năm có thể thêm một số môn. Dự kiến tới năm 2025 về cơ bản có các môn tự chọn tương đương các nước.

Thông tin từ nhóm nghiên cứu cho hay, các môn học mới xây dựng trên quan điểm tích hợp như đề xuất đã tổ chức xin ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý và giáo viên ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ và tỉnh Nam Định.

Các ý kiến đều thống nhất phương án tích hợp này không gây ra sự xáo trộn về số lượng và cơ cấu giáo viên, không nhất thiết phải đào tạo lại đội ngũ giáo viên mà chỉ cần bồi dưỡng một số chuyên đề về phương pháp dạy; không đòi hỏi phải tăng cường quá nhiều về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Giảm bắt buộc, tăng tự chọn

Nhóm nghiên cứu đề xuất phân bổ các môn học trong 3 năm THPT như sau: Lớp 10 là giai đoạn để học sinh bước đầu định hướng nghề nghiệp sau này, có 11 môn học bắt buộc, chương trình ở mức cơ bản; đồng thời học sinh sẽ chọn các môn/chủ đề có nội dung ứng dụng kiến thức môn học và thực tiễn hoặc nghề.

Các năm lớp 11, 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Số môn học sẽ không quá nhiều như hiện nay nhưng học sâu hơn.

Nhóm nghiên cứu đề nghị có 4 môn bắt buộc là: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1 (từ môn ngoại ngữ 2 trở đi là môn tự chọn), giáo dục công dân.

Đồng thời, học sinh sẽ phải chọn 3 môn trong danh mục các môn sau: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, môi trường, công nghệ, kinh doanh, nghề (liên quan đến các nghề ở địa phương)... và chọn thêm các chủ đề gắn với định hướng nghề nghiệp, ứng với các môn tự chọn và bắt buộc.

Như vậy, học sinh sẽ học 7 môn (4 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn) và một số chủ đề. Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, giáo dục công dân là môn bắt buộc nhằm trang bị những yếu tố nền tảng về đạo đức, phẩm chất không thể thiếu đối với mỗi công dân tương lai.

Xét trên tổng thể cả 3 cấp học, số môn học bắt buộc giảm dần và các môn/hoạt động tự chọn tăng lên. Các trường sẽ tổ chức thí điểm dạy học tự chọn, có thể làm theo cách của một số nước theo hình thức “vết dầu loang”.

Trong vài năm đầu các trường có đầy đủ các điều kiện về giáo viên, khả năng quản lý sẽ đăng ký tham gia dạy học tự chọn. Sau đó, mô hình này sẽ mở rộng dần, sau khoảng 5 - 6 năm sẽ phủ hết tất cả trường THPT.

 

 

Thảo Anh (Theo Thanh niên)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo