Tin tức - Sự kiện

Căng mình để vượt sóng

So với khối DN có vốn đầu tư nước ngoài thì DN trong nước còn phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt là với 2013 khi mà nền kinh tế tiếp tục đối diện áp lực tái lạm phát, rủi ro kinh tế vĩ mô, nợ xấu ở mức cao…
Hạn chế chính sách
 
Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, năm 2012 là năm thứ 5 ghi nhận sự bất ổn kéo dài của kinh tế vĩ mô. Lượng DN ngưng hoạt động, phá sản, giải thể tăng nhanh, hệ thống ngân hàng thương mại lâm vào nguy cơ đổ vỡ dây chuyền do mất thanh khoản. Nợ xấu như "cục máu đông”, gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn, sức khỏe nền kinh tế giảm nặng, niềm tin thị trường giảm sút, DN thiếu phương hướng hoạt động.
 
Để xử lý hệ quả sau 5 năm bất ổn kéo dài, không dễ. Trong ngắn hạn, hầu hết chính sách đều mang tính chất tình thế, chỉ nhằm xử lý nguy cơ bất ổn,  chống lạm phát. Song, sự thay đổi liên tục chính sách lại làm thị trường mất phương hướng dài hạn, kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn sức mua giảm - tồn kho tăng - sản xuất giảm - nợ xấu tăng - tín dụng giảm…  Trong trung – dài hạn,  quan điểm tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đưa ra từ năm 2011 song lại gặp vướng mắc về tư duy, chưa có chính sách căn cơ đi vào cuộc sống, phân bổ nguồn lực kém hiệu quả như đầu tư công, DNNN, BĐS.
 
Nền công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào gia công, lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp, mất sức cạnh tranh khi hội nhập. Gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, công nghiệp hỗ trợ khó phát triển. Nông nghiệp dừng chủ yếu ở xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp.
 
Đồng quan điểm, GS. TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những chính sách giải cứu hiện nay mới áp dụng một mặt, chưa đủ cường độ cần để giải quyết các vấn đề tình thế. Giá trị các gói hỗ trợ khoảng 36 nghìn tỷ đồng, khó vực dậy hàng vạn DN đang "thở oxy”, làm tan tảng băng BĐS, bảo đảm ổn định giá cả. Nhiều chính sách thiếu nghiên cứu thận trọng, thiếu nhất quán, hay thay đổi làm tăng chi phí DN, một số giải pháp tình thế gây phản tác dụng với việc thực hiện mục tiêu dài hạn.
 
Thanh lọc thị trường
 
Khó khăn nhưng giới chuyên gia cho rằng, hoàn cảnh ấy cũng mở ra cơ hội cho những DN biết nắm bắt để tái cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bền vững. Thị trường, sẽ phải trải qua quá trình tái cơ cấu đầy nghiệt ngã, phân chia lại thị phần và trở nên lành mạnh hơn.
 
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những giải pháp của Chính phủ chỉ có tác động hỗ trợ, sự chủ động của DN mới là yếu tố quyết định. Do đó, bản thân DN cần chủ động tái cơ cấu, kiểm soát chặt các yếu tố đầu vào, khơi thông đầu ra, đa dạng hóa việc huy động vốn, phát huy tính sáng tạo, năng động. Đồng thời, tận dụng các lợi thế ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do FTA, ứng dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Còn theo GS Nguyễn Mại, DN Việt cần phấn đấu tăng nhanh về số lượng, DN vừa và nhỏ cần đạt đến quy mô theo tiêu chí quốc tế. Để đạt mục tiêu này, cần nhất sự đồng thuận giữa Nhà nước và DN. Nhà nước hỗ trợ chính sách, DN có chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, việc sửa đổi thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng có quan hệ với đầu tư, kinh doanh của DN, do đó, phải hướng tới mục tiêu kép, vừa tạo nguồn thu tăng cho ngân sách, vừa tích lũy vốn cho DN.
 
Tái cấu trúc nền kinh tế không thể thành công nếu không nhanh chóng từ bỏ mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ, nhân lực chất lượng cao. "Sự thần kỳ Đông Á” của Nhật Bản, Hàn Quốc chính là nhờ chính sách thuế ưu đãi, các khoản trợ giúp lớn cho DN, nền  giáo dục chất lượng cao... Với Việt Nam, để khắc phục nhược điểm công nghệ, nhân lực cần chính sách khuyến khích DN thông qua việc ưu đãi cao về thuế với DN nhập khẩu công nghệ hiện đại, DN mở các lớp đào tạo, khuyến khích hợp tác giữa DN với tổ chức giáo dục trong việc đào tạo chuyên gia, công nhân lành nghề...
 
 
 
 
Minh Trí
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo