Cảnh báo cần thiết khi CPI giảm
Sau khi tăng cao hơn vào tháng 1, tháng 2 (tháng có Tết Dương lịch và Tết Âm lịch), CPI tháng 3 đã giảm xuống. Dù tính theo cách nào, thì CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013 cũng thuộc loại thấp so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Đây là tháng đầu tiên sau 7 tháng (tính từ tháng 8/2012), CPI mang dấu âm, cũng là tháng 3 có CPI âm đầu tiên kể từ năm 2010.
Sau 3 tháng, CPI tăng thấp thứ 2 so với cùng kỳ trong 9 năm trước đó (sau năm 2009) và thấp xa so với CPI sau 3 tháng bình quân trong 9 năm này (2,39% so với 4,2%).
Tính theo năm (tức là tháng 3/2013 so với tháng 3/2012 theo thông lệ quốc tế), thì CPI tháng 3 này cũng có mức tăng thấp nhất so với 6 tháng trước đó (tháng 10/2012 tăng 7%, tháng 11 tăng 7,08%, tháng 12 tăng 6,81%, tháng 1/2013 tăng 7,07%, tháng 2 tăng 7,02%).
Về nguyên nhân, có thể nhắc tới nguyên nhân từ tiền tệ tín dụng - yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát. So với cuối năm trước, tín dụng đến cuối tháng 2 năm nay giảm 0,28%, trong khi vốn huy động lại tăng 2%.
Có nguyên nhân từ lương thực với sản lượng đã đạt kỷ lục trong năm trước. Lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào thu hoạch rộ với dự báo tăng năng suất, sản lượng trong khi giá gạo xuất khẩu đã giảm 11% vào năm trước, sang 2 tháng đầu năm nay lại giảm 13,5% so với cùng kỳ do giá thế giới giảm. Nếu không có việc mua gạo tạm trữ, thì giá sẽ còn giảm sâu hơn mức giảm bình quân 4,7% của quý I/2013.
Có nguyên nhân do tổng cầu bị co lại. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, trong 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3,6%, thuộc loại thấp nhất trong nhiều năm qua. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước sau 2 tháng mới đạt 10,5% kế hoạch cả năm và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn do Trung ương quản lý còn giảm tới 29,9%; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn bị giảm sâu hơn nữa.
Có nguyên nhân do để thực hiện mục tiêu ưu tiên, Chính phủ đã chưa cho phép tăng giá điện, giá xăng dầu để tránh làm tăng chi phí đẩy và tác động đến tâm lý kỳ vọng lạm phát. Tỷ giá VND/USD năm 2012 giảm ở mức 0,96%, sau một thời gian ngắn có biến động, nay đã ổn định trở lại, nhờ cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối được cải thiện, cũng có tác động giảm áp lực của chi phí đẩy và tác động của tâm lý kỳ vọng lạm phát.
Việc CPI giảm trong tháng 3 và tăng thấp trong 3 tháng đầu năm đã đưa đến niềm vui cho người tiêu dùng nói chung và những người nghèo, người có thu nhập bằng tiền cố định, đặc biệt là những người bị thất nghiệp, thiếu việc làm do doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là điều kiện “rộng đường” hơn trong việc hạ lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết các điểm nghẽn hiện nay của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu khác của năm nay như tái cơ cấu, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược… Đây cũng là tín hiệu khả quan để kỳ vọng thực hiện được mục tiêu “kép” lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, lạm phát thấp cũng dễ làm lơ là, thiếu kiên định, nhất quán với mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, với nhiều biểu hiện khác nhau.
Lạm phát là sự giảm giá của đồng tiền, liên quan đến mức sống thực tế của người tiêu dùng, liên quan đến lòng tin đối với đồng tiền quốc gia… Không nên vì vừa mới tăng thấp trong ngày hôm nay (nhưng nếu tính tích luỹ thì đã tăng rất cao: cuối năm 2012 so với cuối năm 2003, CPI cao gấp gần 2,6 lần, tức là giá trị đồng tiền chỉ còn 38,5%; bình quân tăng trên 11%/năm, tức là mỗi năm đồng tiền quốc gia bị giảm giá trên 10%), tâm lý dễ thoả hiệp với tăng giá xuất hiện. Đây là cảnh báo cần thiết.
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo