Tin tức - Sự kiện

Cánh quân thứ 6 trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng dùng chính máy bay địch không kích sân bay Tân Sơn Nhất, đòn đánh này đã thúc đẩy nhanh sự tan rã của chế độ Sài Gòn.

Trong những ngày tháng 4/1975, bên cạnh 5 cánh quân trên bộ tiến vào Sài Gòn còn có những "cánh quân" khác âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt đóng góp cho chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.



Tiếp lửa chiến trường (kỳ 1)



Chiều 29/3/1975 các đơn vị thuộc Sư đoàn 2, 304, 324, 325 và lữ đoàn thiết giáp 203 tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ngay sau đó, chúng ta nhanh chóng tổ chức công tác tiếp quản, thu hồi sử dụng vũ khí, khí tài quân đội Sài Gòn để lại.



Dùng vũ khí địch đánh địch



"Giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3, ngày 3 - 4/4/1975 tôi cùng các đồng chí thiếu tá Hồ Thanh Minh phụ trách kỹ thuật, thượng úy Hoàng Gia Huệ - Chủ nhiệm dù hàng không và nhiều cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần đáp trực thăng vào sân bay Đà Nẵng", Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan hồi tưởng.



"Tới sân bay Đà Nẵng, tôi liên lạc với đồng chí Phan Hoan, Tư lệnh Quân quản thành phố, thông báo cho toàn bộ binh lính, sĩ quan chế độ cũ đến căn cứ trình diện. Trong số đến sân bay, tôi chọn được 8 phi công lái máy bay A-37. Sau một thời gian theo dõi, đánh giá, tôi đã chọn 3 phi công gồm Trần Văn On, anh Sanh, anh Nghiệp cho tham gia khai thác A-37", Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan cho biết.



Trước đó, đoàn công tác cũng nhận nhiệm vụ nhanh chóng hoàn thành cầu hàng không trung chuyển, quản lý khai thác sân bay đưa vào hoạt động, khai thác và quản lý nhân viên, phi công chế độ cũ theo giải phóng, khai thác đưa vào sử dụng vũ khí, khí tài chiến lợi phẩm.

 

Với sự giúp đỡ của các phi công chế độ cũ, ngày 21/4/1975 lực lượng kỹ thuật của ta đã sửa chữa xong 2 máy bay A-37. Cùng ngày, 11g trưa, trung tá Phạm Ngọc Lan (cấp hàm của ông lúc đó) đã tiến hành mở máy bay, lăn bánh ra đường băng cất cánh thử.



"Khi máy bay rời đất được vài mét, đồng chí Trần Mạnh đình chỉ bay thử do chưa thông báo kịp cho lực lượng phòng không của ta đang áp sát hai đầu sân bay", ông cho biết.



Dù vậy, lần cất cánh này cũng chứng minh được máy bay bay tốt, đưa vào sử dụng được. Có thể nói, trung tá Phạm Ngọc Lan khi đó là phi công Không quân Nhân dân Việt Nam đầu tiên bay trên máy bay A-37 "chiến lợi phẩm".


Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, để bay chuyển loại A-37, nếu nhanh sẽ mất ít nhất 1 tháng. Nhưng trong điều kiện chiến trường lúc đó, ta chỉ có vài ngày để thực hiện.


Một trong những khó khăn lớn nhất, phi công ta đều bay trên máy bay Liên Xô nên có sự khác biệt nhất định về cách tính trần bay, tốc độ, lưu ý riêng.



"Về độ cao bay ta và Liên Xô tính bằng mét còn Mỹ tính bằng feet, tốc độ tính bằng km/g, còn Mỹ tính bằng dặm/g hoặc thể tích nhiên liệu trong thùng ta gọi là lít còn Mỹ tính là gallon. Ngoài ra, khi cất cánh – hạ cánh, tốc độ bao nhiêu, chú ý điểm gì, hay việc tăng – giảm ga ở điều kiện nào phù hợp... những điều này phải hết sức lưu ý trong khi bay vì chỉ một sai sót nhỏ sẽ rất nguy hiểm", ông nói.



Hướng thẳng sân bay Tân Sơn Nhất



Tình hình lúc này, số A-37 chưa đủ để thành lập phi đội. Yêu cầu cấp thiết cần phải chọn thêm một số chiếc A-37. Ngày 26 - 27/4/1975, đoàn cán bộ không quân do đồng chí Trần Mạnh chỉ huy đã vào sân bay Phù Cát (Bình Định – giải phóng ngày 31/3/1975) để thực hiện công tác quản lý khí tài, vũ khí địch bỏ lại. Tại đây, ta đã chọn thêm 5 chiếc A-37 còn tốt.



10g30 ngày 27/4/1975, vận tải An-24 đưa toàn bộ phi công từ Đà Nẵng vào hạ cánh tại Phù Cát. Chiếc A-37 tại Đà Nẵng được đồng chí Vượng – On điều khiển bay hạ cánh lúc 12g. Chiều cùng ngày hai phi công Sanh – On lần lượt bay thử cả 5 chiếc A-37. Kết quả 1 chiếc bị hỏng động cơ. Như vậy, tại Phù Cát ta tập hợp đủ phi đội 5 A-37.


Ngay sau đó, Tư lệnh PK - KQ Lê Văn Tri đã báo cáo về lực lượng máy bay – phi công lên Bộ chỉ huy chiến dịch và nhận lệnh tiến công chính thức.



15g toàn bộ phi công, sĩ quan tập trung để Tư lệnh Lê Văn Tri giao nhiệm vụ, đội hình phi đội thành lập gồm: Nguyễn Văn Lục – chỉ huy phi đội Quyết Thắng (số 1), Nguyễn Thành Trung – dẫn đường (số 2), số 3 Từ Đễ, số 4 Hoàng Mai Vượng – Trần Văn On và số 5 trung úy Hán Văn Quảng.



10g ngày 28/4, phi đội A-37 lần lượt hạ cánh tại Phan Rang dưới sự hướng dẫn chỉ huy từ mặt đất. Nội dung tác chiến nhanh chóng được phổ biến tới từng phi công, sĩ quan, thợ máy, cán bộ tác chiến.

 

 

Phi đội Quyết thắng chiến thắng trở về.

 

Giờ khắc đã đến, 16g50 chiều 28/4, mũi tiến công thứ 6 trên trời cao, phi đội A-37 xuất kích theo đội hình mũi tên hướng thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất.



Theo kế hoạch đã định, phi đội sẽ bay ở độ cao 2.000m nhưng do thời tiết xấu nên phải bay ở độ cao 500m. Gần tới Sài Gòn thì trời quang mây, phi đội đã phát hiện được mục tiêu sớm, lên độ cao đã định tiến hành không kích.



Lúc này, đài chỉ huy địch hoảng hốt hỏi: "Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu". Qua đó có thể thấy đối phương hoàn toàn bị bất ngờ vì không nghĩ rằng ta lại có thể chuyển loại nhanh đến thế.



Phi đội Quyết thắng đã ném bom chính xác khu vực để máy bay của địch, phá hủy hàng chục máy bay. Hoàn thành nhiệm vụ, toàn phi đội thoát về hạ cánh tại Phan Rang, chiếc A-37 thứ 5 hạ xuống lúc 18g05 trong tiếng reo hò, vui mừng của bộ đội ta.



"Mũi tiến công thứ 6 đã thúc đẩy nhanh sự tan rã của quân đội Sài Gòn, thúc đẩy tốc độ di tản của Mỹ, ngụy. Chiến thắng này cũng góp một phần làm cho nhân dân Sài Gòn không phải đau thương, không tốn thêm xương máu, thành phố Sài Gòn không bị tàn phá, bảo đảm nguyên vẹn", Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan nhận xét.

 

Theo ĐV

 

 

A-37 là máy bay cường kích hạng nhẹ 2 chỗ ngồi do hãng Cessna thiết kế chế tạo từ những năm 1960. A-37 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực J85-GE-17A cho phép đạt vận tốc dưới âm 816km/h, bán kính chiến đấu 740km, trần bay hơn 12.000m.

A-37 trang bị 1 pháo 6 nòng cỡ 7,62mm đặt trong mũi máy bay và 8 giá treo trên cánh có khả năng mang khối lượng vũ khí 1,2 tấn gồm: rocket, bom Mk82, bom Napan, tên lửa không đối không AIM-9.

 

Máy bay cường kích A-37 khi còn hoạt động trong Không quân Nhân dân Việt Nam.

Trong chiến tranh Việt Nam, cùng với tiêm kích F-5, A-37 được Mỹ viện trợ cho chế độ Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, quân đội ta đã thu hồi hàng chục chiếc còn nguyên vẹn, sử dụng tốt. Không Quân Nhân dân Việt Nam đã sử dụng rộng rãi A-37 cho các chiến dịch không kích tấn công quân Khơ Me đỏ. Từ cuối những năm 1980, do khan hiếm phụ tùng linh kiện thay thế, lần lượt A-37 đều ngừng hoạt động.

 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo