Cao Toàn Mỹ phủ nhận rút đơn kiện Phương Nga
Sáng 7/8, ông Cao Toàn Mỹ (nguyên đơn trong vụ kiện hoa hậu Phương Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản) phủ nhận thông tin trong bài phỏng vấn được đăng trên một số tờ báo. Ông Mỹ cho biết ông không hề có buổi phỏng vấn với báo chí thời gian qua. Cao Toàn Mỹ cũng bác bỏ toàn bộ thông tin được đề cập trong bài báo, theo tin tức trên báo Zing news.
“Tôi không phát biểu gì hết. Tôi bác bỏ hoàn toàn thông tin buổi phỏng vấn với phía bên kia, thông tin đó là sai hết. Tôi không hề nói tôi sẽ dừng vụ kiện nếu Phương Nga nhận sai”, ông Cao Toàn Mỹ nói.
Sáng 7/8, một tờ báo điện tử đăng bài phỏng vấn với ông Cao Toàn Mỹ. Trong đó, ông Cao Toàn Mỹ khẳng định “sẽ dừng vụ kiện nếu hoa hậu Phương Nga nhận sai, chuyện tiền bạc tính sau”.
Liên quan đến sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), người bào chữa cho hoa hậu Phương Nga, khẳng định ông chưa nắm được thông tin về phát ngôn của Cao Toàn Mỹ trên báo chí. Tuy nhiên, luật sư cho rằng dù có muốn, Cao Toàn Mỹ cũng không thể dừng vụ kiện.
“Trên góc độ pháp lý, tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản không khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Việc khởi tố điều tra không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại muốn hay không muốn, dù có thể nguồn cơn ban đầu xuất phát từ đơn tố cáo của họ”, luật sư Dũ cho hay.
Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) là luật sư bào chữa cho 2 bị can trên vừa gửi kiến nghị khẩn cấp đến các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và TPHCM về việc điều tra viên có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, xử lý vật chứng vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra bổ sung, báo Dân trí đưa tin.
Đơn kiến nghị của luật sư Quynh nêu rõ: Ngày 28/7/2017, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM (PC44) mời ông cùng những người liên quan đến chứng kiến việc mở niêm phong các chứng cứ có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, do những người tham gia tố tụng nộp cho TAND TPHCM và được niêm phong tại tòa, trong đó có 5 bức thư viết trên túi nilong qua lại giữa bị can Dung và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa.
Theo luật sư Quynh, ông không đồng ý việc PC44 mở niêm phong các chứng cứ này. Bởi các nội dung thông cung có dấu hiệu tham gia của điều tra viên và cán bộ quản giáo. Đây là dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm được quy định tại chương XXII - bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo thẩm quyền điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ tư pháp, thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra Viện KSND tối cao, quy định tại điều 110 bộ luật Tố tụng hình sự. Việc PC44 mở chứng cứ có dấu hiệu thông cung là có dấu hiệu điều tra không khách quan, tiếp tục xâm phạm hoạt động tư pháp.
Lãnh đạo PC44 cho biết, cơ quan điều tra đang làm các thủ tục cần thiết để điều tra bổ sung theo các yêu cầu của TAND TPHCM, trong đó có yêu cầu có hay không hành vi vi phạm hoạt động tư pháp, vì vậy điều tra viên mở niêm phong để làm rõ là phù hợp.
Trước đó, Cơ quan Điều tra Viện KSND tối cao cũng có công văn đề nghị PC44 cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án, liên quan đến dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp để điều tra, làm rõ theo thẩm quyền. Sau đó, PC44 có văn bản phản hồi, hồ sơ đang được điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa án nên chưa thể cung cấp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo