Thị trường

Cấp tín dụng ngân hàng cho hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn

Vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông thường rất lâu, kéo dài tới 20-25 năm.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ. Ảnh: Hoàng Tuấn

 

 Phát biểu tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông ngày 12/12, bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, đầu tư hạ tầng giao thông là nền tảng góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài. 

Theo ước tính, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2020 bình quân khoảng 202 nghìn tỷ/năm. Do đó, việc huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông là rất cần thiết, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của ngành ngân hàng và đặc biệt nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng giữ vai trò hết sức quan trọng.
 
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành, điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng. Những giải pháp này góp phần khơi thông, tăng vốn tín dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
 
Chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT, PPP do Bộ Giao thông vận tải quản lý, các ngân hàng thương mại tham gia tài trợ tới 135 nghìn tỷ (chiếm 89 % tổng mức đầu tư). Hiện nay, một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank, SHB... đã triển khai, đưa ra các chương trình tín dụng cho vay ưu đãi đối với các dự án hạ tầng giao thông.
 
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông thường rất dài (khoảng 20-25 năm).
 
Cùng với đó là năng lực tài chính của nhiều Nhà đầu tư yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng thực hiện dự án. Nhiều dự án bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Rất nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, khả năng trả nợ vay ngân hàng cũng như rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án. 
 
Ngoài ra, có không ít các công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng như nứt, lún… phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến dẫn đến Ngân hàng phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng…/.  
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo