Cậu bé “đầu gối to như trống” vật vã với bệnh tật
Hồ sơ bệnh án luôn cộp dấu “ưu tiên”
Với sự trợ giúp của Chương trình Vòng tay Nhân Ái (Báo Gia đình & Xã hội) và các cộng tác viên từ thiện, bé Vừ Mí Pó đã được vào khám ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đi tới đâu, hồ sơ của bé Pó cũng được cộp dấu “ưu tiên”. Sau khi chụp, xét nghiệm, siêu âm, thăm khám sơ bộ, BS Nguyễn Viết Long cho biết: “Bé Vừ Mí Pó mắc chứng máu không đông (Hemophilia) gây tràn dịch khớp gối, khiến hai đầu gối bị sưng to như cái trống con. Từ đó mà phát sinh ra nhiều bệnh khác, trong đó có gây tràn dịch khớp gối, tổn thương khớp gối... Nếu không được chữa trị sớm rất có thể nguy hiểm tới tính mạng. Việc điều trị chủ yếu dựa vào phương pháp truyền máu và huyết tương để bù đắp sự thiếu hụt yếu tố không đông máu. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chuyển bé Pó sang Viện Huyết học và truyền máu Trung ương”.
Chỉ sau 45 phút chuyển viện, bé Pó đã được các y bác sĩ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương làm xong thủ tục nhập viện. Sau khi thăm khám, ThS.BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia (Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) nhận định, bé Pó mắc bệnh di truyền thể lặn, liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính X. Với bệnh này, các xuất huyết bên ngoài không quan trọng bằng các xuất huyết bên trong nội tạng, khớp, cơ… nên rất khó điều trị. Đầu gối của bé Pó sưng to là hậu quả của những lần xuất huyết bên trong không được điều trị.
Anh Vừ A Tủa (bố của Pó) cũng xác nhận, Pó hay bị ngã và có những vết bầm tím nhẹ nhưng vợ chồng anh không biết nên cho đó là chuyện bình thường. Anh chia sẻ thêm, mùa đông vừa qua có nhiều đợt rét đậm, rét hại nên bé Pó bị những cơn đau hành hạ, khóc cả ngày. Sáng nào chân bé cũng như bị cứng lại, co duỗi rất khó khăn, mẹ phải ngồi xoa bóp mãi. Bé Pó được các bác sĩ ở Trạm Y tế xã Sủng Là tiêm thuốc giảm đau, nhưng vẫn không đi học được. Thấy con quá đau đớn, bố mẹ xót con lại vay nợ đưa con đi viện. Lẽ ra với bệnh trọng, bé Pó cần được bồi dưỡng thường xuyên, nhưng gia đình quá khó khăn, cuộc sống cả nhà chỉ trông chờ vào số tiền anh Tủa đi làm thuê. Mỗi lần con ốm (do chảy máu từ bên trong mà bố mẹ Pó không biết), vợ anh lại bỏ việc may vá gửi đưa con đi bệnh viện. Nợ nần, khó khăn chồng chất và lại ở xã vùng biên giới nghèo nên Pó rất ít được “tẩm bổ”, có gì thì ăn nấy nên nhiều khi đi học, Pó bị mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, cô giáo lại phải đưa về nhà.
Cháu bé đang cần giúp đỡ
Các bác sĩ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho hay, hiện chưa có phương cách hữu hiệu điều trị triệt để bệnh Hemophilia, nhưng các bác sĩ có thể kiểm soát được. Nếu người bệnh không chú ý dự phòng sẽ có nguy cơ chảy máu ở bất kỳ nơi nào và nếu chảy máu ở nơi nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Gia đình cần xác định bé Pó sẽ phải sống suốt đời với bệnh, phải phụ thuộc vào yếu tố đông máu thay thế và sẽ rất tốn kém. Nếu được điều trị thường xuyên, bé Pó hy vọng sẽ có cuộc sống tương đối bình thường. Nhưng nếu không được điều trị, mạng sống của Pó sẽ rất mong manh. Rất nhiều trẻ bị bệnh Hemophilia đã bị tử vong do bố mẹ không biết, hoặc y tế địa phương chẩn đoán nhầm. Tội nghiệp hơn là nhiều trẻ được chữa bệnh rồi, nhưng bố mẹ không đủ kiên nhẫn, không có điều kiện đưa con đi lại điều trị dự phòng… nên trẻ đã gặp nguy hiểm.
Bé Pó tuy may mắn được chính quyền và cơ sở y tế xã Sủng Là quan tâm lo kịp bảo hiểm y tế học sinh, xác nhận hộ nghèo, làm thủ tục chuyển viện… nên bé được miễn hoàn toàn tiền chữa bệnh. Nhưng chi phí bồi dưỡng, chi phí ăn ở hàng ngày cho 3 người, tiền xe cộ 500km từ xã biên giới vùng núi Sủng Là về Hà Nội sẽ rất tốn kém so với thu nhập của một người dân miền núi. Gia đình sẽ phải chạy vạy vay nợ, rồi oằn lưng làm để trả nợ…
Hiện bé Pó đang nằm ở Khoa Nhi, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Anh Vừ A Tủa nói chậm từng lời, mong muốn được các bác sĩ và các nhà hảo tâm giúp đỡ để cháu Pó được chữa bệnh và trở về đi học tiếp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo