Câu chuyện văn hóa

Hương vị Tết quê xưa

DNVN - Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê xứ Huế. Quê tôi bao tháng năm vất vả ruộng đồng trên mảnh đất khô cằn ven biển và đầm phá. Dẫu lam lũ nhọc nhằn, người dân quê tôi vẫn luôn háo hức đợi chờ cái Tết cổ truyền của dân tộc.

Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Sen Huế” / Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tặng quà cho người nghèo nhân ngày 20/10

Tôi nhớ những ngày Tết rất xa khi còn ngoại. Hằng năm, đầu tháng Chạp, hơi Tết bắt đầu về trong cái lạnh run run. Ngoại tôi vẫn ra đồng chuẩn bị làm bờ ruộng, tát nước cho trâu cày. Mỗi dịp đó, tôi đều được đi theo, giữ cái oi cá mà ngoại bắt được. Những con rô, con lóc, con nhét béo vàng, mang về nấu chua, cả nhà có bữa ăn ngon, ai cũng hít hà.

Cỡ chừng mười lăm, hai mươi tháng Chạp, ngoại thường dẫn tôi đi hớt tóc. Dường như cả xã thời đó chỉ có quán hớt tóc ông Mua ở gần trường Vinh Lộc. Không như bây giờ, xã tôi, quán hớt tóc mọc lên như nấm. Quán ông Mua hồi ấy làm bằng tranh liêu xiêu, nhiều người vẫn kiên nhẫn ngồi chờ, chuyện trò thân tình, vui vẻ. Nhớ mỗi lần ngồi vào ghế hớt tóc, tôi cứ nhìn trong gương, vừa nhìn mái tóc mới, vừa xem những bông hoa vàng bên đường đã nở. Lòng đứa trẻ mơ hồ nghĩ đến cái Tết đang đến gần với bao niềm háo hức. Cuối buổi, hai ông cháu đều có mái tóc mới, ai cũng thấy vui vui.

Tết quê xưa, giản dị, nghèo khó mà ấm cúng, vui vẻ, đầy háo hức lắm. Mạ tôi, sáng nào cũng dậy sớm, nấu nồi cháo cho heo, luộc nồi khoai sắn cho cả nhà rồi chạy vạy ra chợ sớm cho kịp mua những con cá tươi ngon để bán cho khách phương xa về quê ăn Tết. Ngoại tôi thì lo dọn dẹp nhà cửa. Mấy anh em tôi và cậu, con các cậu xúm lại lau chùi lư đồng, đèn đồng, đồ đạc thờ cúng. Ngoại tôi nói, con cháu phải lo vun vén, để bàn thờ ông bà được sáng đẹp đón Tết. Đó là đạo hiếu, tấm lòng của con cháu với tổ tiên.

Nghề làm bánh tét cho ngày Tết ở Huế

Nghề làm bánh tét cho ngày Tết ở Huế

Những ngày gần Tết, tôi và ngoại đi đào đất trắng sau trảng để gánh về vút rửa sạch, phơi khô thay các bát nhang. Đó là chút lòng thành, tinh tấn với Phật và tổ tiên. Số đất còn lại ngoại sai tôi rải quanh các chậu cây, bồn hoa, hai gốc mai già, lối đi... Màu trắng của đất làm nền cho những bông hoa nhà trồng, như: hoa thọ, hoa lay ơn, thược dược, đặc biệt là hoa mai. Những cánh hoa vàng, búp non xanh cứ chầm chậm điểm tô như tạo hóa gieo xuống nhân gian bao tình yêu thánh thiện. Tất cả làm cho vị Tết xưa cứ như sợi tơ vướng vít mãi trong hồn người.

Mấy ngày gần Tết, mạ tôi mua củ kiệu, cà rốt, đu đủ về xắt nhỏ, phơi khô để chuẩn bị làm dưa món ăn Tết. Có khi mạ còn làm món tôm chua để ăn kèm thịt luộc, rau xà lách nhà trồng. Ôi! Cái món ăn đơn sơ, giản dị ấy cứ theo tôi mãi đến tận bây giờ.

Ngày Tết nhà nào cũng làm mâm cơm cúng tổ tiên ông bà. Đó là chút lòng thành của cháu con với tổ tiên ông bà, cũng là dịp để gia đình, con cháu gần xa quây quần, sum họp. Hồi đó, lũ trẻ chúng tôi cứ chờ dịp Tết để có bữa ăn ngon trong mơ. Cũng chỉ là những món ăn được chế biến từ thịt heo chia được từ người trong xóm. Heo nhà nuôi bằng rau cám, thịt thơm ngon lạ lùng. Nhưng ngày thường đâu dễ có ăn. Những món quê được các bà, các mẹ, các o kho nấu như giò hầm su, cà rốt, thịt sườn ram đường, món xào ngũ quả, thịt ba chỉ ăn kèm dưa chuối... Nhớ thôi, cũng thấy thèm thuồng. Cả quãng ngày thơ như ùa về theo trí nhớ. Bây chừ, làm tiệc, chỉ cần gọi nhà hàng là mọi thứ sẵn sàng, khỏi lo tính, nấu nướng chi nhiều. Ngon thật đấy nhưng sao vẫn cứ nhớ món ăn xưa. Chắc là nhớ kí ức, cái của cải không thể so sánh và bán mua trong cuộc đời mỗi người.

Nhớ đêm ba mươi Tết, nhà nào cũng xông trầm hương thơm lừng cả xóm. Mùi trầm hương trong đên trừ tịch gột rửa hồn người. Những đêm ba mươi thuở ấy không bóng điện mà vẫn dâng lên trong lòng người ánh sáng diệu kì của cái Tết thiêng liêng ngỡ như có thể nghe và ngửi được từng bước thời gian đi.

Sáng mồng một, ai đi chùa lễ Phật thì đi rất sớm. Ai không đi chùa thì đi thắp nhang nhà thờ, tổ tiên, thăm chúc Tết nhau. Trẻ con, đứa nào cũng mặc những bộ áo quần mới hoặc sạch đẹp để đi chơi cùng bố mẹ. Trước khi ra đường, mạ tôi dặn, gặp ai cũng nở nụ cười và cất tiếng chào năm mới. Sao nghe thật vui, tình người gần gũi, yêu thương quá đỗi! Đến nhà ai cũng được chủ nhà mời chào vui vẻ. Những món bánh mứt tự tay nhà làm mà ngon thơm đến lạ.Những đồng tiền lì xì, những chiếc kẹo Tết,dù rất nhỏ thôi,vẫn vui vô cùng với chúng tôi thuở ấy.

 

Vui nhất và đông nhất có lẽ là ở hội chợ xuân. Hồi đó, chợ họp trên gò đất cao rộng không có nhiều chòi, nhiều trò chơi vui xuân hái lộc như bây giờ. Từ xa đã nghe tiếng người điều hành trò chơi “Đi máy bay” qua loa máy, nghe thật rộn rã, inh ỏi. Có một khu chơi “Bài chòi” cũng rất thu hút nhiều người chơi. Tiếng người hò hát những quân bài chòi, tiếng người chơi gõ vào những chiếc mõ tre lóc cóc, nhất là khi ai đó được về trước – thắng cuộc, tiếng gõ mõ liên hồi nghe thật vui tai. Người thắng, người thua ai cũng thấy vui vì được hòa trong không khí ngày xuân đầy ấm áp. Đến với “Hội hái hoa xuân”, ai cũng mong cầu hái được những câu chúc đầu năm nhiều ý nghĩa. Những người may mắn được trúng những phần quà như hái được lộc đầu xuân đầy vui vẻ. Trẻ con thì đến các hàng đồ chơi để mua những món đồ chơi bằng nhựa yêu thích. Rồi rủ nhau thưởng thức những món quà quê ngon mà rẻ, đứa nào cũng mê.

Tết ngày nay, bao nhiêu thứ đủ đầy, bao nhiêu trò vui. Nhiều tục lệ xưa vẫn còn lưu truyền, hội chợ xuân được tổ chức nhiều nơi, thu hút nhiều người. Nhưng lòng tôi vẫn không bao giờ quên những ngày Tết xưa. Nhớ đến là bao nhiêu gương mặt thân thương của người thân, bạn bè thuở nhỏ ùa về với bao tình mến thương.


Văn Quyết
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm