CEO Tân Nhất Hương: Không cho mình đường lùi
Trong “cái khó ló cái khôn”, chị Hoài Sơn đã “dứt khoát” với công ty phân phối hàng ngoại, tự mình sản xuất, kinh doanh các loại kem trang trí. Bước đường chông gai này tuy đầy thách thức, nhưng cũng đã mang lại nhiều cảm hứng kinh doanh cho chị.
Đường dài của kẻ ngoại đạo
Tại văn phòng Công ty Tân Nhất Hương, có rất nhiều sản phẩm có thể khiến các bà nội trợ mê mẩn. Có hàng chục loại kem trang trí bánh, ngũ cốc Choy’s, Yukisu, bột Custard… Chị Sơn say sưa nói về các loại bột, kem và những loại bánh mới – những hiểu biết đều là sự tích lũy từ những ngày đi làm nhà phân phối chứ không phải được đào tạo chính quy. Tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, từng là một hướng dẫn viên du lịch năng nổ, chị Sơn khởi nghiệp bằng cách làm nhà phân phối cho hãng sản xuất kem làm bánh nổi tiếng của Mỹ. Năm 2007, sau hơn 10 năm làm nhà phân phối, chị đã góp phần giúp công ty kem làm bánh của Mỹ trở thành một nhãn hiệu hàng đầu trong ngành kem trang trí bánh tại Việt Nam với 95% thị phần.
Tuy nhiên, những bất đồng bắt đầu nảy sinh khi hai bên không tìm được tiếng nói chung. Chị Sơn quyết định “ra ở riêng” với Công ty Tân Nhất Hương. Lúc ấy, ít ai nghĩ chị sẽ thành công khi thị trường đang ở trong tay các doanh nghiệp ngoại. Thêm vào đó, trong số những sản phẩm thuộc hệ nhũ (sữa chua, kem ăn…) thì kem trang trí bánh là loại khó làm nhất.
Ấy vậy mà Tân Nhất Hương đã làm được. Theo ước tính của chị Sơn, hiện công ty không chỉ nắm khoảng hơn 40% thị phần trong nước mà đã phát triển ra những thị trường khác như: Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Khách hàng của công ty có nhiều tên tuổi lớn như Kinh Đô, Tous Les Jours… Được đà, Tân Nhất Hương đầu tư mạnh cho nghiên cứu, phát triển nhiều dòng sản phẩm kem cao cấp lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam như dòng kem bổ sung sữa động vật Mycream, dòng kem trái cây, trà xanh, cappuccino…
Theo chị Sơn, làm phân phối rất khỏe, lợi nhuận tốt và không phải lo nhiều như sản xuất. Tuy nhiên, con đường phân phối chỉ thuận lợi khi đối tác còn cần mình.“Có một thực tế phũ phàng là các đối tác nước ngoài khi đã được nhà phân phối khai phá thị trường thì thường muốn “lấy luôn việc” của nhà phân phối, hoặc là tạo điều kiện cho nhiều đối tác khác “chia lại bánh”. Điều này kéo theo những áp lực về lợi nhuận mà nhà phân phối cũ phải gánh. Tân Nhất Hương ra đời trong hoàn cảnh như thế và một phần khác là do tôi muốn tận dụng lợi thế của một doanh nghiệp Việt Nam để khai thác thị trường trong nước”, chị Sơn cho biết.
Để có vị trí số 2 trên thị trường như hiện nay, Tân Nhất Hương đã vượt qua những giai đoạn vô cùng khó khăn ban đầu. Trong năm đầu tiên ra ở riêng, do những hiểu biết hạn chế về kỹ thuật nên sản phẩm không được thị trường đón nhận. Nhận thấy vấn đề, Tân Nhất Hương đã chuyển đổi từ dây chuyền công nghệ của Trung Quốc sang dùng công nghệ của Hà Lan và tìm tòi học hỏi thêm từ những chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm. Khó khăn khác chính là tâm lý của người sử dụng. Rất nhiều người Việt còn chuộng hàng ngoại, không tin tưởng một công ty Việt Nam. Đó là chưa kể những chiêu “cạnh tranh bẩn” mà nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm phải đương đầu mỗi ngày. Có những thời điểm, đối thủ cho người trà trộn vào các tiệm bánh. Họ trộn hóa chất khiến bánh nhanh hư, dùng “đòn tâm lý” để lung lạc niềm tin của khách hàng… Thậm chí, đã có lúc Công ty phải nhờ đến lực lượng công an để lật tẩy những đối thủ xấu chơi.
Vượt qua chặng đường gai góc ấy, Tân Nhất Hương cứ từng bước lớn mạnh và con đường của “kẻ ngoại đạo” thưở nào còn dài hơn nữa với những trăn trở mới…
Không để đường lui!
Đến nay, Tân Nhất Hương từng nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác hoặc mua lại toàn bộ nhà máy với giá rất tốt, nhưng với tâm niệm muốn giữ lại một doanh nghiệp thuần Việt nên chị Sơn quyết định không bán.
Vì ấp ủ đóng góp cho sự phát triển của ngành sản xuất và kinh doanh các mặt hàng bánh, Tân Nhất Hương ngày càng vươn ra nhiều nhánh hơn. Công ty đang hợp tác cùng một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan (doanh nghiệp sản xuất bột mì, chocolate, chất béo…) để tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín cho khách hàng. Bên cạnh đó, Tân Nhất Hương còn xây dựng siêu thị mini Bakers’ Mart chuyên bán nguyên liệu, dụng cụ ngành bánh. Đây là siêu thị chuyên ngành đầu tiên ở Việt Nam với hơn 5.000 mặt hàng đáp ứng nhu cầu cho người thích làm bánh.
Công ty còn có 2 trung tâm dạy nghề làm bánh Bakerlove là nơi đào tạo cho khách hàng của công ty về kỹ thuật làm bánh. Khoảng 3 năm trở lại đây, trung tâm này mở rộng đào tạo cho tất cả các học viên muốn học mới hoặc nâng cao tay nghề. Hiện đã có khoảng 5.600 lượt học viên tham gia các khóa này. Mỗi năm, Tân Nhất Hương cũng chiêu sinh khoảng 8 lớp, tổng cộng gần 200 học viên để đào tạo thành thợ làm bánh chuyên nghiệp. Tất cả các học viên đều được Tân Nhất Hương cam kết tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Vì thế Trung tâm dạy nghề bánh Bakerlove nhanh chóng trở thành đối tác tin cậy của các công ty như: Break Talk, Kinh Đô (Chuỗi hệ thống Kinh Do Bakery), Công ty CPTP Sun do (chuỗi hệ thống Savoure Bakery), Hệ thống siêu thị Big C…
Từng bước xây dựng thương hiệu trong một ngách nhỏ của thị trường bánh, nhưng bà chủ của Tân Nhất Hương luôn thôi thúc phải xây dựng thương hiệu Việtvững mạnh và nỗ lực để xây dựng Hiệp hội Bánh tại Việt Nam. Chị Sơn tâm sự, đôi lúc chị cũng giật mình trăn trở: làm sao tìm được một người có đủ đam mê với ngành và có năng lực quản lý để dần dần chuyển giao quyền điều hành. “Tân Nhất Hương đã khiến một người mới ngoài 40 như tôi cứ 10 ngày lại phải nhuộm lại tóc 1 lần. Công ty đã ổn định và đang lớn dần lên. Đôi khi tôi cảm tưởng mình không thể theo kịp tốc độ phát triển của nó. Tôi đang nghĩ đến chuyện phải tìm một người kế thừa, quản lý điều hành, còn mình lui về hậu trường làm công tác tư vấn, dạy nghề cho thỏa đam mê với bánh. Dù vậy, tôi vẫn muốn đi cùng công ty để cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu ngoại khác” - chị Sơn tâm sự.
Có lẽ khi đã quá đam mê với nghề, bất kể vì lý do gì, người chủ doanh nghiệp như chị vẫn có lúc không tìm được câu trả lời ổn thỏa cho ước muốn riêng của cá nhân mình. Âu cũng là “nghề nào nghiệp đó”…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất