Chấm dứt chính sách ưu đãi nhập khẩu ure
Với thực tế năng lực sản xuất phân bón ure tại Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, Bộ Công thương dự kiến giảm dần, tiến tới chấm dứt các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nhập khẩu ure bấy lâu nay.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cục diện thị trường phân bón trong nước năm 2013 đã có những thay đổi khá lớn.
Trước năm 2013, cả nước có 2 đơn vị sản xuất phân đạm ure là Đạm Hà Bắc, công suất 190.000 tấn/năm và Tổng công ty Hoá chất Phân bón Dầu khí (PVFCCo), công suất 800.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu cả nước về ure là khoảng 1,7-2 triệu tấn/năm. Bởi vậy, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón thông qua ưu tiên ngoại tệ, cho phép nhập khẩu qua đường tiểu ngạch đã được áp dụng.
Tuy nhiên, sự có mặt của Nhà máy Đạm Cà Mau, công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy Đạm Ninh Bình, công suất 560.000 tấn/năm trong năm 2012 đã giúp chủ động được hoàn toàn nguồn cung ure ngay tại trong nước, thậm chí dư thừa. Bởi vậy, các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ nhập khẩu ure, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong nước đã áp dụng trước đây sẽ thay đổi mạnh mẽ.
Cụ thể là, những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nhập khẩu ure sẽ giảm dần, thay vào đó là các chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối trong nước và điều tiết cân đối cung cầu để xuất khẩu một cách hiệu quả, hợp lý.
Nói là vậy, nhưng các doanh nghiệp sản xuất ure trong nước vẫn còn phải đối phó với nhập khẩu phân bón nói chung, ure nói riêng theo đường tiểu ngạch ở các tỉnh biên giới phía bắc.
Trong những năm qua, mặt hàng phân bón được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung. Trong đó, riêng qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là hơn 90% lượng phân bón nhập khẩu theo đường biên mậu.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường miền núi (Bộ Công thương) cho hay, các loại phân bón nhập khẩu về chủ yếu là phân DAP, ure, và một số loại trong nước chưa sản xuất được như MAP, SA, Kali, Ammoni Clorua. Lượng phân bón nhập khẩu biên mậu qua từng năm cũng tăng đáng kể. Năm 2010 chỉ có 80.000 tấn; năm 2011 tăng lên 362.000 tấn; năm 2012 đạt 560.000 tấn và trong 4 tháng đầu năm 2013 đã nhập khẩu 200.000 tấn.
Con số nhập khẩu biên mậu này được Bộ Công thương cho là, chỉ chiếm một phần nhỏ tổng lượng phân bón nhập khẩu của của nước, cũng như so với nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, theo nhận xét của một doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, số thực tế nhiều khi lớn hơn thống kê bởi đi đường mòn, lối mở chứ không qua các cửa khẩu quốc tế lớn.
Chính vì vậy, cả Vụ Thị trường miền núi lẫn Vụ Thị trường trong nước đều cho hay, Bộ Công thương dự tính sẽ có các biện pháp hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu biên mậu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo từng thời điểm.
Đây được xem là một động thái cần sớm thực hiện bởi một nhà kinh doanh phân bón cho biết, thị trường ure thế giới đang có những biến động mạnh bởi sự dư thừa nguồn cung ure từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Gia Tường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn nhất nước thừa nhận, thị trường phân bón Việt Nam phụ thuộc không ít vào biến động của thị trường phân bón tại Trung Quốc. Vì vậy, nên có các nghiên cứu để ngăn chặn phân bón nhập khẩu lậu vào Việt Nam.
Trao đổi với Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một nhà kinh doanh ure cũng cho hay, các bản tin chính thống trên thị trường phân bón ở thời điểm ngày 21/5 đã cho thấy ở Trung Quốc hiện đã có một số nhà máy ure buộc phải dừng sản xuất, một số nhà máy chuyển sang chế độ bảo dưỡng thiết bị do diễn biến thị trường.
Trong khi đó, sản lượng ure tháng 4/2013 của Trung Quốc vẫn đạt 6,53 triệu tấn, cao kỷ lục và vượt 21,5% soi với bình thường. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, sản xuất ure tại Trung Quốc đã đạt 24,06 triệu tấn, vượt 13,8% so với cùng kỳ. Bởi vậy, việc xuất khẩu là tất yếu. Hiện tại, đích nhắm là thị trường Brazil và Ấn Đô, nhưng điều đó cũng khó ngăn các nhà nhập khẩu ở Việt Nam tìm kiếm cơ hội lúc này.
“Ure hạt đục (kiểu sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau) trên thị trường thế giới có dấu hiệu mất giá. Nếu về tới Việt Nam, ure hạt đục chỉ vào khoảng 8.300 đồng/kg với điều kiện giao hàng lên phương tiện tại cảng Sài Gòn. Còn ure hạt trong (kiểu sản phẩm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ) thì vẫn cao hơn ure hạt đục hơn từ 20-40 USD/tấn.”, nhà kinh doanh phân bón nói trên nói với Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn.
Dĩ nhiên, mức giá này sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhất định với các sản phẩm ure đang được sản xuất trong nước.
Theo bản tin thị trường ngày 27/5/2013 của PVFCCo, hiện giá ure của Đạm Phú Mỹ là 9.550-9.600 đồng/kg; Đạm Cà Mau có giá từ 8.800-8.850 đồng/kg; ure Trung Quốc có giá 8.850-8.900 đồng/kg.
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo